Đó là nội dung chính của Hội thảo: “Đánh giá 05 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản” tại Hà Nội vào ngày 15/9/2017 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tổ chức.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đồng chí Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; đại diện của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố; phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI; các Hiệp hội, Hội về khoáng sản; Liên minh Khoáng sản, Tổng hội Địa chất Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản cùng đông đảo phóng viên các báo, đài đến đưa tin.
Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với 86 điều, trong đó có tới 48 điều nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên quy định trong quản lý khoáng sản, đã được triển khai thực hiện đến nay hơn 05 năm.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Cao Đức Phát cho biết: Khoáng sản là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản của Đảng và Nhà nước đã định hướng và tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững. Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách khá toàn diện cho quản lý khoáng sản.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, qua thực tiễn cho thấy một số chủ trương, chính sách cũng như quy định của pháp luật về khoáng sản cần được rà soát, đánh giá những mặt được, những tồn tại, hạn chế nhắm tiếp tục hoàn thiện. Để đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 02- NQ/TW của Bộ Chính trị về “định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quốc hội đã tổ chức giám sát tình hình quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức sơ kết đánh giá 05 năm thực hiện Luật khoáng sản 2010. Hội nghị lần này được tổ chức với mục đích tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, toàn bộ quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quốc hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản đã được thể hiện trong Luật khoáng sản năm 2010.
Tuy nhiên, để Luật đi vào thực tiễn, vai trò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý khoáng sản là hết sức quan trọng. Thông qua hoạt động giám sát sẽ đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoáng sản, để đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về khoáng sản.
Chính vì vậy, trong 05 năm vừa qua, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội đã thực hiện 02 cuộc giám sát chuyên đề: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường vào năm 2012 và Chuyên đề giám sát về hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 02 dự án bôxít Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư vào năm 2014.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội thảo
Là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý lĩnh vực khoáng sản, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 06 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp.
Đến nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được những kết quả đáng kể với diện tích được điều tra, lập bản đồ địa chất – khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền, nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược đã được điều tra, đánh giá như bauxit, sắt laterit, titan…. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện ngày càng chặt chẽ. Công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc với kết quả đáng kể, góp phần đưa các quy định mới của Luật Khoáng sản đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định: “Ngành công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang chiều sâu, nhằm khai thác triệt để, thu hồi tối đa khoáng sản; bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả…”.
Theo Báo cáo: “Đánh giá 05 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản” do ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình bày thì Luật khoáng sản năm 2010 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, cần hoàn thiện trong thời gian tới như:
- Chưa quy định cụ thể việc liên danh, liên kết trong hoạt động khoáng sản thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về Đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản.
- Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố (thanh, kiểm tra, quy hoạch, hoạt động khoáng sản) nhất là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông.
- Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế; về trữ lượng khoáng sản biến động trong quá trình khai thác để kiểm soát chặt chẽ nguồn thu ngân sách cũng như “khối tài sản công” là mỏ khoáng sản đã giao cho doanh nghiệp ghi trong Giấy phép.
- Luật khoáng sản 2010 và Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đều quy định về việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm phục hồi môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác (nếu có) và trách nhiệm cụ thể khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ (xác định lại giá trị của khối tài sản công để xác định mục đích đóng cửa mỏ); cơ chế có tính khả thi đối với trường hợp đóng cửa mỏ khi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện.
Tại hội thảo, đại diện một số bộ, tổ chức, địa phương và các chuyên gia đã trình bày các bài tham luận về: tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp; quản trị bền vững ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam thông qua thực hiện Sáng kiến Minh bạch Công nghiệp Khai thác (EITI); sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động khai thác khoáng sản... Các đại biểu tham dự đã tập trung đóng góp ý kiến thảo luận để đánh giá các nhóm vấn đề: nhận thức của cán bộ và nhân dân về khoáng sản; đánh giá những kết quả đạt được; hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, những giải pháp và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa nguồn lực này để phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trình Chính phủ xem xét, quyết định hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản để phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Văn phòng Tổng cục./.