Đó là một trong những mục đích của Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam do Cục Địa chất Việt Nam vừa ban hành.

Theo Cục Địa chất Việt Nam, Kế hoạch trên làm cơ sở phân công, chỉ đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Cục tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỷ lệ lớn đồng bộ, tổng thể, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư.

092654476.jpg

Tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam

Trong Kế hoạch, Cục Địa chất Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các khu vực rủi ro cao (ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp).

Ngoài ra, Cục Địa chất Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xây dựng và hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác điều tra, khảo sát chi tiết, lập bản đồ phân vùng nguy cơ và phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét ở tỷ lệ lớn.

Hơn nữa, ứng dụng công nghệ viễn thám để điều tra, giám sát, cập nhật thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét và các lớp thông tin phục vụ cảnh báo sớm; xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét.

Bên cạnh đó, điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương, mức độ phơi bày do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn.

Cùng với đó, lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.

Để thực hiện nhiệm vụ, Cục Địa chất Việt Nam đã chỉ rõ giải pháp thực hiện. Về hoàn thiện thể chế, chính sách, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.

Về khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá các mô hình, công nghệ hiện đại trong giám sát, quản lý, khai thác, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở dất theo thời gian thực.

Về hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, các đối tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ, trao đổi thông tin dữ liệu, nâng cao năng lực phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Về phối hợp với các bộ ngành, địa phương, trong quá trình thực hiện, cần rà soát, kế thừa kết quả, sản phẩm của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan đảm bảo thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Các nhiệm vụ thực hiện có kết quả, sản phẩm đến đâu thì công bố, chuyển giao ngay đến đó để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; chủ động liên hệ, tiếp nhận, chia sẻ các tài liệu, kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan, thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét từ các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo kế thừa, tiết kiệm, hiệu quả.

Phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan thống nhất danh mục các khu vực cần thực hiện và kế hoạch phối hợp, lồng ghép với các nhiệm vụ của địa phương, tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan tới điều tra khảo sát, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, tránh chồng chéo, lãng phí; chuyển giao công nghệ, sản phẩm của Đề án để phục vụ xây dựng quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai đáp ứng các yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống, ứng phó với rủi ro lũ quét, sạt lở đất tại địa phương.

Về thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, đối với phạm vi không gian: ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét tại các địa phương, đảm bảo hiệu quả của Đề án.

Đối với các nhiệm vụ thực hiện, ưu tiên thực hiện trước các nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết kế, xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin, hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét và điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn.