Chiều 02/01/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017 và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác thanh tra tại Hội nghị, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, năm 2017 kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2017 của Bộ đã có bước đổi mới cơ bản, nhiều lĩnh vực và số cuộc thanh tra đã tăng lên, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và bám sát định hướng của Chính phủ, của ngành và Thanh tra Chính phủ; các đơn vị trong Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành khác để điều chỉnh kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tính đến 31/12/2017, các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 119 cuộc thanh tra với 915 tổ chức trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố tăng 29 cuộc và giảm 261 tổ chức so với năm 2016. Trong đó có 06 cuộc thanh tra hành chính và 113 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai 28 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức 2 đoàn giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Qua thanh kiểm tra đã xử phạt vi phạm với 323 tổ chức, tổng số tiền là 35 tỷ 873 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 730 triệu đồng.
Cũng trong năm 2017, Bộ cũng đã thực hiện 07 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân 07 tỉnh. Kết quả thanh tra đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền: 1 tỷ 988 triệu đồng; thực hiện 06 cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại 06 đơn vị trực thuộc…
Bộ cũng đã thực hiện 28 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các đối tượng khắc phục những tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra của Bộ. Một số đối tượng chậm thực hiện kết luận thanh tra hoặc đã khắc phục nhưng chưa triệt để đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu nghiêm túc thực hiện.
Công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo luôn được quan tâm, triển khai tích cực. Lãnh đạo Bộ cùng cán bộ thanh tra thường xuyên tổ chức định kỳ và đột xuất tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2017, Bộ đã tổ chức tiếp 413 lượt với 976 người, trong đó có 209 vụ việc cũ và 204 vụ việc mới phát sinh; có 38 lượt đoàn đông người, giảm 39,6% lượt so với năm 2016, số người giảm 25%.
Trong năm 2017, Bộ cũng nhận được 3.248 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm 9,6% về số lượt và giảm 5,6% về số vụ việc, trong đó lĩnh vực đất đai có 3.094 đơn (chiếm hơn 95,3%).
Về tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tài nguyên và môi trường qua đường dây nóng, năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 1.413 thông tin (Thanh tra Bộ: 235 thông tin, Tổng cục Quản lý đất đai: 926 thông tin; Tổng cục Môi trường: 252 thông tin). Kết quả Bộ trực tiếp xử lý 28 thông tin; hướng dẫn trực tiếp 251 thông tin; còn lại 773 thông tin, các đơn vị trực thuộc Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Bộ đã nhận được báo cáo của địa phương về 168 thông tin.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của 59/63 Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy: công tác thanh tra, kiểm tra tại các Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc phối hợp giữa các Sở với Bộ trong xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được tăng cường; kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã bám sát theo định hướng của Bộ, tình trạng chồng chéo về đối tượng thanh tra đã giảm...
Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Quốc Trung trình bày báo cáo
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ và địa phương, giảm chồng chéo
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được về nhiều mặt về công tác thanh, kiểm tra của Bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ và sự quyết tâm của từng đơn vị, qua đó đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Điều đó được thể hiện qua các mặt sau: số lượng thanh tra, kiểm tra tăng cả về số cuộc và số đối tượng so với năm 2016; công tác xây dựng kế hoạch thanh tra cũng từng bước được đổi mới, đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn; đồng thời Bộ cũng thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và tranh chấp đất đai theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề còn tồn tại của công tác này trong nhiều năm qua chưa được khắc phuc như: Một số nội dung thanh tra giữa Bộ và các địa phương còn chồng chéo; khối lượng công việc đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm lớn, dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh, hoặc hủy bỏ nội dung trong kế hoạch được phê duyệt; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu thanh tra, kiểm tra giữa Bộ với các địa phương; sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa Bộ và các địa phương chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra vẫn còn thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn chuyên ngành, trang thiết bị còn thiếu;...
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tham dự Hội nghị cần tập trung đánh giá toàn bộ hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo về tài nguyên và môi trường năm 2017 và đề ra giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2018. Trong đó, trọng tâm là tổng kết, đánh giá việc tuân thủ pháp luật và những tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2017 nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường thống nhất, hạn chế chồng chéo và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần tạo ra một bước đột phá quan trọng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về tài nguyên và môi trường; tăng cường sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tài nguyên và môi trường; công tác triển khai kế hoạch thanh tra 2018 để đạt hiệu quả cao...
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung đã trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đơn vị, đồng thời cho biết, trong năm 2018 Bộ sẽ tập trung xây dựng mục tiêu chiến lược cho hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn ngành nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi sai phạm thuộc các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường; nâng cao vai trò là đơn vị giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các Tổng cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về tài nguyên và môi trường phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý ngành.
Để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ sớm xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018, chuẩn bị tốt nội dung Hội nghị tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành sắp tới; đồng thời tiếp tục đổi mới trong phương thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm về tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng và phản ảnh của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng cần sớm tổng hợp các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế của các địa phương, cơ sở;…