Đây là Đề án được coi là trọng điểm của Liên đoàn bởi bao hàm nhiều ẩn số phải báo cáo Nhà nước về tiềm năng ilmenit và các khoáng sản khác đi kèm thuộc dải ven biển Nam Trung bộ. Đề án được thiết lập và tuần tự thi công theo thời gian và các vùng miền với nhiều phương pháp nghiên cứu địa chất khác nhau như: lộ trình địa chất địa vật lý, trắc địa, lấy mẫu các loại, địa vật lý tổng hợp, khoan máy và khoan tay…Trong các hệ phương pháp này điều mà mà Liên đoàn và tổ đề án Sa khoáng do thạc sỹ Nguyễn Trường Giang làm chủ biên cùng các cộng sự vô cùng trăn trở, xuy nghĩ vì khối lượng mét khoan thì lớn (23 021m) thì phải dùng thiết bị khoan tay nào; cách khoan ra sao. Mặc dù 14 năm trước, Liên đoàn đã từng sử dụng bộ khoan tay tự chế nhưng khá nặng nề, hiệu quả thi công kém, tốn sức lao động, độ sâu khống chế thân quặng không theo ý muốn…
Khi bắt tay vào thực hiện đề án, Liên đoàn Địa chất Xạ Hiếm đã tìm hiểu và đặt mua 4 bộ khoan tay kiểu Úc của Liên đoàn địa chất Trung Trung bộ bởi đơn vị này có nhiều kinh nghiệm thi công khoan tay. Song thiết bị khoan tay này vẫn cồng kềnh, vận chuyển khó khăn, năng suất lao động không cao, mỗi lần khoan chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 0.2m, việc khống chế độ sâu để cắt hết tầng sản phẩm rất hạn chế, càng xuống sâu thì việc khoan lấy mẫu và thả bộ khoan cụ càng phức tạp mà độ chính xác lại không cao. Nỗi khó khăn này kéo dài đến tận đầu năm 2006 mà vẫn chưa có lời giải. Một lần nữa, Tổ Đề án Sa khoáng lại vào Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ (Đơn vị có bề dày thành tích về tìm kiếm, đánh giá sa khoáng) để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và đặt mua tiếp 2 bộ khoan tay. Nhưng trong quá trình thi công đã bộc lộ nhược điểm cố hữu: rất nặng (khoảng 60kg do làm bằng sắt, thép), vận chuyển khó khăn dễ gây hỏng hóc, việc lấy mẫu chưa theo ý muốn nhất là phần khoan nước và việc khoan đến độ sâu lớn hơn hoặc bằng 10m rất khó khăn, phức tạp, rất tốn sức mà năng suất lao động không cao.
Không thể để tình trạng này kéo dài, không thể để hàng ngày nhìn anh em công nhân mồ môi nhễ nhại, gò lưng nâng đập ống chống, cần khoan để nhích từng mét khoan. Tổ Đề án Sa khoáng đã phát động cán bộ, kỹ sư, công nhân phong trào sáng tạo, tìm kiếm thông tin, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, để đáp ứng được yêu cầu bức bách về khoan lấy mẫu và cải thiện độ sâu. Tháng 4/2006 nhóm thi công khu vực Nhơn Hội - Quy Nhơn (Bình Định) do kỹ sư Nguyễn Tiến Dư phụ trách cùng công nhân Võ Xuân Hoàng qua nhiều ngày nghiên cứu đã cải tiến được bộ khoan tay từ kích thước cồng kềnh, toàn bộ bằng sắt thép ban đầu chỉ giữ lại duy nhất bộ ống chống, còn cần khoan và bộ lấy mẫu đều thay thế bằng ống nhựa PE, trọng lượng của bộ khoan cụ giảm đáng kể. Do đó, việc vận chuyển, mang vác dễ dàng hơn và năng suất lao động tăng cao, một hiệp khoan nếu cho phép sẽ lấy được 1m mẫu với tỷ lệ mẫu đạt 100% trong trường hợp khoan khô, 90 - 95% trong trường hợp khoan nước. Cũng trong thời gian này, nhóm của kỹ sư Nguyễn Văn Chiến ở Bình Sơn (Quảng Ngãi) tình cờ qua người dân, họ đã cung cấp cho một thiết bị khoan cát cũ. Nhóm thi công đã thiết kế hoàn chỉnh lại lưỡi khoan lấy mẫu và cải tiến cách tháo lắp lưỡi khoan vào ống nhựa (một bộ phận để lấy mẫu rất quan trọng) cho phù hợp và tiện ích. Kết quả đã không phụ lòng người: năng suất, nhẹ nhàng và chất lượng. Tổ Đề án Sa khoáng cũng tiến hành khoan kiểm tra chất lượng phương pháp khoan mới sau khi cải tiến. Sau khi khoan 2 lỗ khoan chùm (mỗi chùm 3 lỗ, mỗi lỗ cách lỗ khoan chính với bán kính 1m) kết quả phân tích trọng sa đã đảm bảo kết luận: chất lượng khoan tay lấy mẫu sau khi cải tiến đạt yêu cầu.
Sau khi phổ biến, áp dụng rộng rãi các sáng kiến này, không khí lao động ở tất cả các nhóm thi công trong Tổ Đề án Sa khóang đều hết sức phấn chấn. Năng suất lao động tăng cao, thời gian thi công được rút ngắn, sức lao động được cải thiện, công tác khoan tay đượcnhẹ nhàng hơn, vật tư lại dễ kiếm, dễ thay thế. Đặc biệt chiều sâu lỗ khoan được tăng lên (trung bình đạt 9.06m) bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của công tác nghiên cứu thân quặng ở sâu trong lòng đất. Đây là những động lực để toàn tổ phát huy hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ năm 2007.
Văn phòng ngày 23 tháng 10 năm 2007
(Theo Bản tin Tài nguyên và Môi trường số 1 tháng 10 - 2007)