72 năm qua, kể từ ngày 2/10/1945, Ngành Địa chất Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Đối với ngành Địa chất, việc tìm kiếm, đánh giá khoáng sản là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm an ninh nguyên liệu khoáng sản góp phần phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp ở nước ta. Trước năm 1990, các đơn vị địa chất đã tìm kiếm, phát hiện và thăm dò nhiều vùng mỏ, điểm khoáng sản như: than, quặng sắt, đồng, thiếc, chì - kẽm, bauxit, đất hiếm, apatit, graphit, đá vôi xi măng, kaolin, felspat, đất sét... Đến nay, có hơn 5.000 điểm quặng, mỏ khoáng của trên 60 loại khoáng sản đã được điều tra, đánh giá và một số mỏ đã và đang đánh giá ở phần dưới sâu.
Đặc biệt, những năm gần đây, trên cơ sở điều tra, đánh giá một cách có hệ thống đã làm rõ hơn một số loại khoáng sản có tiềm năng lớn làm cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp khai thác - chế biến như: titan, bauxit, apatit, đất hiếm, than, urani, cát trắng, đá ốp lát, đá hoa trắng, đá vôi xi măng. Đây chính là tiền đề để hình thành và phát triển thành các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước trong ngành khai khoáng hiện nay như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam...
Từ chỗ chỉ có một số mỏ như thiếc Tĩnh Túc, vàng Bồng Miêu, Chợ Bến, antimon Chiêm Hóa, photphorit Nghệ An, than Đầm Đùn, Khe Bố... được khai thác ở giai đoạn đầu, đến nay, đã có nhiều mỏ than, khoáng sản kim loại, phi kim loại, vật liệu xây dựng, vật liệu xi măng, nước khoáng... đang được khai thác, chế biến trên phạm vi cả nước. Giá trị sản lượng ngành công nghiệp khai khoáng ngày càng gia tăng, góp phần quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản luôn được tăng cường và có hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Luật khoáng sản năm 2010 được ban hành, triển khai thực hiện Luật và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về Chiến lược khoáng sản và định hướng phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, là văn bản có vai trò quan trọng, lần đầu tiên được ban hành nhằm định hướng có tính chiến lược, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng; năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương đã được nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Đánh giá 6 năm thực hiện Luật Khoáng sản sửa đổi, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã được đẩy mạnh; công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản ngày càng chặt chẽ, trên cơ sở Chiến lược và quy hoạch khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gắn với hoạt động chế biến khoáng sản, với yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng, an ninh; cảnh quan du lịch, di tích lịch sử, văn hóa... đã đánh giá được giá trị trữ lượng các mỏ khoáng sản đã cấp phép để khẳng định khoáng sản là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh đó, công nghiệp khai khoáng nước ta bước đầu đã chuyển từ phát triển theo “bề rộng” sang phát triển theo “chiều sâu” nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, Ngành Địa chất Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt Ngành đã được tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước. Đây là một vinh dự to lớn dành cho Ngành Địa chất Việt Nam.
Văn phòng Tổng cục./.
Nguồn: http://.monre.gov.vn.