Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN tiền thân là Khoa Địa lý - Địa chất Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1966. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Khoa Địa chất được khẳng định là một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất. Nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã trưởng thành từ đây, đưa tri thức đi khắp mọi miền đất nước đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.
PGS.TS Đỗ Cảnh Dương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Hội Địa chất Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Tham dự buổi Lễ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương đã phát biểu: Khoa Địa chất của Nhà trường là một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu về chuyên ngành địa chất, mấy chục năm qua, đã đào tạo ra nhiều thê hệ các cử nhân địa chất, thạc sĩ, tiến sĩ cho Đất nước, trong số đó có nhiều người trở thành nhà địa chất có tên tuổi đóng góp vào sự nghiệp chung. Các thành tựu nổi bật và có giá trị phải kể đến: Nghiên cứu Khoáng vật học, thạch luận các đá mácma và biến chất; Cổ sinh địa tầng; Địa hóa vỏ phong hóa; Trầm tích, trầm tích biển; Kiến tạo địa động lực hiện đại; Địa chất môi trường.
Những nghiên cứu chuyên sâu về địa chất khu vực trước đây, kể trên đã đóng góp vào các công trình quan trọng của ngành Địa chất như: Bộ bản đồ địa chất và khoáng sản tỉ lệ 1/500.000, 1/200.000, những nghiên cứu có ý nghĩa về khoáng chất công nghiệp, đá quý, địa chất môi trường và biến đổi khí hậu.
Nhân kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Khoa Địa chất - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương đề nghị, trong thời gian tới Khoa, Nhà trường cần quan tâm, tham khảo, lựa chọn một số hướng nghiên cứu, đào tạo tiếp cận của thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển của Đất nước, đó là:
- Tiếp tục hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên diện tích phần đất liền còn lại, trong đó có nhiệm vụ khó khăn là ghép nối các tờ bản đồ tỷ lệ 1/50.000 với việc phân tích, xử lý và chuẩn hóa dữ liệu của các thành tạo địa chất, khoáng sản theo mô hình địa chất 3D.
- Hoàn thiện, làm sâu sắc hơn tổ hợp các phương pháp nghiên cứu với công nghệ, thiết bị hiện đại để tìm kiếm đánh giá khoáng sản ẩn sâu ở các cấu trúc có tiền đề thuận lợi., Bắt đầu triển khai các nghiên cứu, điều tra địa chất khoáng sản ở vùng biển và hải đảo, có thể nói đây là những thách thức, mà chúng ta cần phải vượt qua trong thời gian tới.
- Nghiên cứu thành phần vật chất với công nghệ mới, đánh giá tiềm năng, chất lượng và khả năng sử dụng của các đá-khoáng sản, truyền thống trước đây, chỉ được sử dụng ở một số lĩnh vực, bây giờ trở thành nguyên liệu khoáng phi truyền thống cho nhiều ngành công nghiệp.
- Phát triển tài nguyên địa chất phi truyền thống như là công viên địa chất, di sản địa chất như nguồn lực cho phát triển du lịch.
- Nghiên cứu sâu Địa hóa, Địa chất môi trường, Tai biến địa chất…, hướng vào các đối tượng đó là các thành tạo địa chất trẻ gắn liền với các hoạt động trực tiếp của con người, gắn với biến đổi khí hậu cực đoan, để phục vụ con người và phát triển.
- Nghiên cứu địa chất đô thị gắn với với việc xây dựng các công trình ngầm hiện đại, xác định các cấu trúc địa chất tôi ưu, ở sâu để chôn lấp rác thải công nghiệp, rác thải hạt nhân, chôn lấp CO2,…, các dạng năng lượng tái tạo nguồn gốc địa chất như địa nhiệt., đánh giá, quản trị nguồn nước mặt và ngước ngầm …
Cũng nhân sự kiện này, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tổng Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam sẽ phối hợp cùng với Nhà trường đề nghị Đảng và Nhà nước xem xét để đặt tên các giải thưởng nghiên cứu thuộc lĩnh vực địa chất, các công trình kiến trúc, đường phố mang tên GS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển, Tổng Cục trưởng Đõ Cảnh Dương khẳng định.
Văn phòng Tổng cục./.