Năm 2012, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, điển hình như:

Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định Qui định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản và Nghị định Qui định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời, Tổng cục cũng đã triển khai xây dựng và trình ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Triển khai và hoàn thành trình Bộ TN&MT khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Qui hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục đã triển khai phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về khoáng sản tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn cả nước. Phối hợp với các đài phát thanh và truyền hình trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản. Phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH ngày 12/10/2012 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Tiến hành thanh tra, kiểm tra 05 đợt ở các tỉnh: Quảng Nam, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Nguyên; xử phạt hành chính 27 doanh nghiệp với số tiền gần 400 triệu đồng.

Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; Cụ thể:

Đề án: “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”, đang triển khai lập báo cáo tổng kết Lô A và thi công mẫu công nghệ. Sơ bộ tính toán cho thấy, trữ lượng quặng urani trong lô A ở cấp 122 đạt được khoảng 900 tấn U3O8, đạt mục tiêu đề án đặt ra. Tại lần kiểm tra thực địa đề án vào tháng 7 năm 2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhiệt liệt biểu dương tinh thần hăng say lao động, vượt mọi khó khăn gian khổ của cán bộ công chức Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, hoàn thành tốt mục tiêu của đề án, thăm dò, đánh giá hiệu quả nguồn năng lượng quý hiếm cho đất nước.

Đề án: “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam” đã hoàn thành công tác điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản 1:50.000; khoan, khai đào công trình tìm kiếm, phát hiện quặng bauxit, quặng sắt laterit trên diện tích 8.570km2 trong tổng số 11.885 km2 được phê duyệt.

 - Phát hiện và khoanh định được 200 thân quặng bauxit với tổng diện tích 1.600 km2 thuộc các vùng Kon Plong - Kon Hà Nừng, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phước Long. Hàm lượng Al2O3 trung bình trong các thân quặng hầu hết đạt từ 41,0 - 55,0%. Tài nguyên dự báo khoảng hơn 4,5 tỉ tấn quặng, tương đương 1,7 tỉ tấn quặng tinh.

- Phát hiện và khoanh định được 151 diện tích (thân quặng) có quặng sắt laterit liên tục với tổng diện tích 2.200 km2 thuộc các vùng Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phước Long. Hàm lượng tổng sắt (Fe) trung bình các vùng quặng đạt từ 32,73 - 39,76%. Tài nguyên dự báo khoảng hơn 3 tỉ tấn quặng, tương đương 1,3 tỉ tấn quặng tinh.

Đề án: “Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng”, Tổng cục đã tiến hành thu thập, xử lý, tổng hợp tài liệu và tiến hành làm các thủ tục mua sắm thiết bị để chuẩn bị triển khai thi công đề án.

Năm 2012, thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh tế về địa chất, khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã triển khai xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28/9/2009 về “Tổ chức xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của nhà nước” và thu nộp ngân sách Nhà nước được gần 500 tỷ đồng. Đây là một thành tích nổi bật trong năm qua, tạo tiền đề cho những năm tới, ngành Địa chất Việt Nam sẽ có đóng góp to lớn cho kinh tế đất nước.

Với những thành tích đã đạt được, ngành địa chất khoáng sản xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước trong tương lai.

Văn phòng Tổng cục.