Sáng 15/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Quản lý tài sản tài nguyên khoáng sản" do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ĐC&KSVN) tổ chức. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ TN &MT, Bộ Tài chính, tổ chức Quebec (Canada) và một số doanh nghiệp hoạt dộng khoáng sản (HĐKS) tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, ông Lê Ái Thụ, Trưởng phòng Pháp chế Cục ĐC&KSVN trình bày về tính đồng bộ và phù hợp của một số quy định về QLKS. Theo quy định hiện hành, một tổ chức, cá nhân muốn HĐKS, phải có giấy phép HĐKS. Ngoài ra còn phải có giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế, các loại giấy phép này trong HĐKS có sự chồng chéo, tạo ra những bất cập cho công tác QLNN về KS. Để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cần thiết phải bỏ bớt các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư khi xin cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác KS.

Ông Lại Hồng Thanh, Trưởng phòng Khoáng sản (Cục ĐC&KSVN) cũng như các doanh nghiệp hoạt động KS lâu năm đều cho rằng hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về KS có sự chồng chéo, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp KS và công tác QLKS. Theo ông Lại Hồng Thanh, trước năm 2002, chức năng QL về KS ở cấp Trung ương chỉ có một đầu mối duy nhất là Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương), nhưng hiện nay chức năng này được giao cho 3 đầu mối. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có trách nhiệm lập quy hoạch và trình duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng KS,  Bộ TN&MT sẽ cấp phép HĐKS cho các tổ chức, cá nhân theo quy định. Việc phân nhiệm vụ như vậy chưa đạt mục tiêu cải cách hành chính, dễ gây ra tình trạng không có trách nhiệm đối với từng loại công việc. Vì thế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về KS cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cơ quan QLNN về KS theo hướng gọn nhẹ, cải cách hành chính, tâp trung về một đầu mối mà công tác chủ trì lập quy hoạch KS, cấp phép HĐKS là Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và Xây dựng tham gia phối hợp trong quá trình thực hiện.

Ông Lê Văn Thành - Phó Ban Quản lý dự án Thanh tra KS cho rằng: Việc quản lý Nhà nước về TN&KS cần có chế tài cụ thể về kinh tế - xã hội (thuế tài nguyên, công tác BVMT, lao động...) theo đặc điểm từng vùng mới đảm bảo tình bền vững.

Tại Hội thảo, ông Andree Dorr (tổ chức Oxfam-Quebec) đã giới thiệu về công tác quản lý động sản ngành khai thác KS ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là Luật Khai thác KS của Canada, Chi Lê, Phillipines... Trong đó, Quebec (Canada) đứng đầu danh sách 68 nước (thăm dò khảo sát đánh giá của Viện Nghiên cứu Fraser) do được đăng ký hoạt động KS bởi một cơ quan duy nhất, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ TN&MT nước này. 

Những vấn đề thảo luận trong Hội thảo sẽ được nghiên cứu và bổ sung vào dự án xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) nhằm tăng cường quản lý và phát huy hiệu quả nguồn TNKS của đất nuớc.

 Văn phòng, ngày 19/10/2008

Theo Báo TN& MT ngày 17/10/2008