Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hường đã khẳng định điều này tại cuộc họp chiều 25/4 của Ban soạn thảo Nghị định bổ sung một số điều của Nghị định 160/ 2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản. Ban soạn thảo đã thống nhất sửa 5 điểm cần thiết nhất của Nghị định này là Khoản b, Khoản g Điều 6, Điều 7, Điều 23, Điều 26 và Điều 29.
Tăng trách nhiệm quản lý khoáng sản cho UBND cấp tỉnh
Đó là một nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này. Theo Khoản b Điều 6 dự thảo sửa đổi, UBND cấp tỉnh “chủ trì, phối hợp với các Bộ TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Văn hóa - Thể thao – Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải khoanh định và phê duyệt các khu vực cấm và tạm thời cấm các hoạt động khoáng sản...”. Trước đây, UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các Bộ trên khoanh định và phê duyệt trình Thủ tướng Chính phủ các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, vì thế tiến độ còn rất chậm. Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phân cấp, nâng trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, Chính phủ đã có Nghị định 59/2007/NĐ-CP giao UBND tỉnh, thành phố được chủ trì với các Bộ và phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.
Cũng tại dự thảo sửa đổi Khoản g Điều 6, thay vì UBND cấp tỉnh phải trình Chính phủ quyết định phê duyệt và công bố khu vực đấu thầu, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, khoáng sản ở các khu vực đã điều tra, đánh giá hoặc thăm dò, phê duyệt trữ lượng không nằm trong quy hoạch thăm dò khai, chế biến của cả nước hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia..., thì nay chỉ cần trình HĐND cùng cấp. Theo Cục trưởng Trần Xuân Hường, do khoáng sản đa dạng về chủng loại nên nếu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố khu vực đấu thầu với tất cả các loại khoáng sản sẽ chậm tiến độ, khó thực hiện. Vì thế, đối với những khoáng sản thông thường, nên giao cho UBND tỉnh quyết định.
Chủ trương kinh tế hóa, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản
Chủ trương kinh tế hóa trước hết thể hiện ở việc phải xây dựng cơ chế đấu thầu quyền khai thác mỏ khoáng sản và quy định rõ các khu vực đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản. Hiện chỉ các khu vực, các mỏ được điều tra đánh giá, thăm dò bằng nguồn ngân sách Nhà nước mới được đem đấu thầu. Thực tế, hầu hết các mỏ này đã được cấp cho các tổ chức cá nhân. Cục trưởng Trần Xuân Hường cho rằng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cần mở rộng phạm vi đối tượng khu vực, mỏ đấu thầu như quy định mới ở Điều 23 sửa đổi. Điều 23 còn quy định Bộ TN&MT chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu mỏ. “Sức ép về môi trường, an toàn lao động, tận thu tài nguyên khoáng sản, nhu cầu khoáng sản ngày càng lớn, cần thiết phải xây dựng được một cơ chế tài chính đối với khoáng sản. Cơ chế gần như xin – cho hiện nay không còn phù hợp. Chỉ thông qua đấu thầu mới chọn được nhà đầu tư đủ năng lực khai thác mỏ có hiệu quả”, Cục trưởng Trần Xuân Hường cho biết.
Để hạn chế lãng phí tài nguyên khoáng sản, Điều 26 sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về diện tích khu vực khai thác khoáng sản. Trước đây, diện tích khu vực khai thác được quy định là có đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 hoặc lớn hơn. Thế nhưng, chỉ trong hai năm thực hiện quy định này, nhiều tỉnh đã cấp phép quá nhiều diện tích chưa được điều tra thăm dò xác định rõ tiềm năng. “Việc khai thác khi mỏ chưa được đánh giá rõ tiềm năng sẽ làm xóa nhòa dấu hiệu địa chất phục vụ cho việc điều tra sau này, việc quản lý mỏ chưa được đánh giá trữ lượng cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro lớn”, Cục trưởng Trần Xuân Hường cho biết. Theo Điều 26 sửa đổi, diện tích đã được đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản tỷ lệ 1/10.000 hoặc lớn hơn mới được cấp phép khai thác.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi lần này còn quy định lại mức lệ phí độc quyền thăm dò khai thác tại Điều 29. Mức phí được quy định từ năm 1996 đến nay đã không còn phù hợp.
Cục trưởng Trần Xuân Hường cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ trong tháng 4 này.
Theo PV Báo Tài nguyên và Môi trường ra ngày 28/4/2008.