Năm 2013, nhờ tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác quản lý, hoạt động khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét. Trước thềm năm mới, một năm được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo luật, đưa ngành khai thác khoáng sản thực sự trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế. Phóng viên báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn trao đổi với báo TN&MT

Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn trao đổi với báo TN&MT

PV: Được biết, năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác hoàn thiện văn bản pháp luật, tích cực truyền truyền và hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện nên quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, vậy xin ông cho biết một số những điểm nổi bật nhất mà chúng ta đã đạt được?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Đúng là Luật Khoáng sản 2010 sửa đổi đã có hiệu lực được hơn 3 năm, song hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn không ít cho công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Chính vì vậy, năm 2013 chúng tôi đã tập trung cao độ cho vấn đề xây dựng văn bản pháp luật và các chính sách về khoáng sản. Kết quả đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định, 01 Quyết định và 7 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản.

 - Hoàn thiện, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. 

 - Hoàn thiện, trình và được Bộ TN&MT phê duyệt kết quả khoanh định đợt I các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Hiện nay, Tổng cục đang tiếp tục khoanh định các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để trình Bộ TN&MT công bố đợt II.

 - Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả “Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số loại khoáng sản quan trọng”; “Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.

Đặc biệt, Tổng cục đã làm khá tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và giám sát việc quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản nên các địa phương đã cơ bản thực hiện tốt các quy định của Luật Khoáng sản 2010, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về khoáng sản, nhờ vậy, tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản đã từng bước được hạn chế.

PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 203/NĐ-CP về thu phí cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ có hiệu lực từ ngày 28/1/20014, ông có kỳ vọng gì vào Nghị định này trong hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Luật Khoáng sản  2010 sửa đổi có quy định mỏ có khoáng sản phải đưa ra đấu giá và ai có đủ điều kiện đấu giá và trả giá cao hơn người đó được Nhà nước cấp quyền khai thác, trường hợp những mỏ được cấp trước ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực thì phần trữ lượng còn lại chưa khai thác phải đóng tiền cấp quyền. Như thế, chúng tôi tổ chức đấu giá là lấy giá sàn từ tiền cấp quyền trở lên ra đấu giá, cho nên việc thu tiền cấp quyền là nhằm công bằng với người tham gia đấu giá. Và Nghị định 203/NĐ-CP khi được thực thi sẽ là bước ngoặt quan trọng trong phương thức thực thi chính sách về quản lý khoáng sản của nước ta.

Nếu chúng ta làm tốt theo quy định của Nghị định 203, theo dự tính, hàng năm sẽ đóng góp cho thu ngân sách khoảng trên dưới 2000 tỷ đồng/ năm từ tiền cấp quyền. Tuy nhiên, mấu chốt của Nghị định hướng tới theo tôi là làm sao để chúng ta khai thác khoáng sản có hiệu quả và loại những doanh nghiệp mà không có năng lực, hoặc năng lực yếu kém và chọn được những doanh nghiệp có chuyên môn cao, có kinh nghiệm, có công nghệ làm tốt cho nền công nghiệp khai khoáng mà chúng ta đang hướng tới. 

PV: Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều doanh nghiệp, Nghị định 203/NĐ-CP khi đưa vào thực hiện sẽ “thắt chặt” hoạt động khai khoáng, thu phí như vậy là “phí chồng lên phí”, ông giải thích ra sao về điều này? 

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Tôi cho rằng,  doanh nghiệp có phản ứng mạnh mẽ về Nghị định này là điều bình thường. Như tôi nói ở trên, trước đây chế tài quản lý hoạt động khai thác khoáng sản chưa được đầy đủ nên khi thực thi rất lỏng lẻo, doanh nghiệp gần như được cho không mỏ khoáng sản để khai thác. Giờ đây họ phải mất một khoản tiền không nhỏ để được cấp quyền khai thác, họ có phản ứng là việc bình thường.

Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia, không thể để tồn tại một thực trạng “vô lý” như vậy mãi khi khoáng sản là tài sản quốc gia, khi doanh nghiệp khai thác, mang bán thì nhà nước (người chủ tài sản) chỉ được thu thuế trên số lượng mà doanh nghiệp khai báo, không nộp một khoản phí nào khi được cấp “đặc quyền, đặc lợi” toàn quyền khai thác một loại khoáng sản nào đó.

Song đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chưa được hồi phục, chúng tôi sẽ tham mưa cho các cấp có thẩm quyền làm sao đảm bảo hoạt động thu phí mang tính khả thi cao, đúng như tinh thần của Nghị định. Chia sẻ, phân tích để doanh nghiệp hiểu hơn về mục đích, mức phí cũng như ý nghĩa thực tiễn của Nghị định này. Tổng cục ĐC-KS sẽ tổ chức 2 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong cả nước về Nghị định này vào cuối tháng 12/2013 và đầu tháng 1/2014. Chúng tôi lắng nghe mọi ý kiến của doanh nghiệp, những gì thấy bất hợp lý chúng tôi sẽ tổng hợp lại báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo hướng khả thi hài hòa lợi ích. 

PV: Trân trọng cám ơn ông!

Văn phòng Tổng cục./.