Kết quả điều tra khảo sát gần đây nhất của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ĐC&KSVN) cho thấy, tại vùng ven biển các tỉnh miền Trung và Thái Nguyên có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản titan, cần kịp thời khoanh định cụ thể, tiếp tục điều tra, thăm dò, bảo vệ để khai thác, sử dụng hợp lý đem lại nguồn thu lớn cho Nhà nước, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.
Việt Nam sẽ là cường quốc về khoáng sản titan
Theo báo cáo của Cục ĐC&KSVN, nước ta có tiềm năng lớn về tài nguyên quặng titan, hoàn toàn có đủ cơ sở nguyên liệu để xây dựng ngành công nghiệp titan gồm nhiều nhà máy chế biến sâu đến kim loại titan và các sản phẩm khác. Quặng titan ở nước ta có chất lượng tốt- trung bình.
Công nghệ khai thác và làm giàu đơn giản, nhưng việc khai thác và tuyển tinh hiện còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhà máy chế biến thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao để sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Đoàn công tác Cục ĐC&KSVN vừa tiến hành kiểm tra thực địa khu vực có quặng titan ở các tỉnh miền Trung và phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận rà soát quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng titan ở địa phương này, đã chứng kiến nhiều mỏ cát trắng bị san lấp làm khu công nghiệp, nhiều nơi làm đường ngay trên cát đỏ chứa quặng titan hoặc quy hoạch các khu du lịch chồng lên diện tích có quặng titan rất giàu. Rõ ràng đang có bất cập rất lớn giữa quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác, bất cập giữa tiến độ điều tra, thăm dò, khai thác với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đào giếng thiết diện 1,0 x 1,2m để lấy mẫu kiểm tra kết quả lỗ khoan.
Ông Trần Xuân Hường, Cục trưởng Cục ĐC&KSVN cho rằng: Kết quả điều tra mới đây về tiềm năng quặng titan ở nước ta là có cơ sở tin cậy. Đó là kết quả thi công của 4 đề án điều tra mà Bộ TN&MT giao cho các đơn vị thi công từ năm 2005 đến nay. Với số liệu địa chất hiện có, nước ta sẽ là cường quốc về quặng titan (sau Trung Quốc, Úc, Ấn Độ và Nam Phi). Phát hiện mới nhất vừa qua đã đánh giá và xác định được quặng titan tồn tại trong tầng cát đỏ với hàm lượng không cao nhưng có quy mô rất lớn, phân bố trên 1200km2, có thể khai thác hiệu quả.
Cục ĐC&KSVN đã trình "Kế hoạch điều tra, thăm dò quặng titan 2008-2015" gồm 3 dự án cấp bách trong đó có dự án thăm dò ngay 7 khu vực chứa quặng titan triển vọng đã được khoanh định cụ thể, làm ra "mỏ sạch" để tổ chức đấu thầu khai thác.
Theo tính toán sơ bộ, nếu tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ này sau khi đã được thăm dò sẽ mang lại hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách.
Khai thác, tuyển tinh quặng titan có lợi nhuận kinh tế lớn
Australia hiện là nước đứng đầu thế giới về trữ lượng quặng titan (khoảng gần 300 triệu tấn, trong đó có mỏ BURN với trữ lượng 230 triệu tấn) và là nước khai thác với sản lượng hàng năm lớn nhất (trên 1,1 triệu tấn), mang lại nguồn lợi lớn.
Ở nước ta công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan những năm gần đây tại các tỉnh miền Trung như : Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Định tuy còn nhỏ lẻ nhưng đã mang lại nguồn thu khá lớn cho doanh nghiệp. Tổng doanh thu hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Ở tỉnh Hà Tĩnh, giá trị từ khai thác titan có năm chiếm tới 60% giá trị sản xuất công nghiệp. Khai thác titan được coi là ngành kinh tế "siêu lợi nhuận".
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục ĐC&KSVN sáng 18/3 về "Kế hoạch điều tra, thăm dò quặng titan 2008-2015", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, kết quả điều tra của 4 đề án vừa qua là rất tốt, những phát hiện mới nhất là rất đáng phấn khởi, có thể xem là điểm đột phá hứa hẹn về nguồn thu từ khoáng sản sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế đất nước. "Những đề án này có tính khả thi cao, là cơ hội thực thi chủ trương kinh tế hóa ngành TN&MT, đổi mới lĩnh vực địa chất - khoáng sản Việt Nam. Cần một cái nhìn tổng thể về tiềm năng khoáng sản ở những khu vực này để đồng thời với quy hoạch khai thác còn quy hoạch vùng công nghiệp chế biến sâu quặng titan cũng như các loại khoáng sản khác ven biển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đầu tư cho bauxit có thể lâu mới mang lại hiệu quả, nhưng đầu tư cho titan thì mang lại hiệu quả rất lớn ngay", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục tổng hợp tài liệu đầy đủ, chính xác; sắp xếp thứ tự ưu tiên các vùng dự án để triển khai thi công nhanh; có kế hoạch để huy động các nguồn vốn cho đầu tư. Đặc biệt tại các vùng có công trình xây dựng, phải ưu tiên khai thác thu hồi triệt để khoáng sản trước khi xây dựng công trình hạ tầng.
Công nghiệp khai thác, chế biến quặng phải tương xứng với tài nguyên hiện có
Theo Báo cáo của Cục ĐC&KSVN, nhu cầu sử dụng quặng titan ngày càng tăng, cả trong lĩnh vực sản xuất kim loại cũng như sản xuất các chế phẩm công nghiệp khác. Khai thác, tuyển tinh quặng titan có lợi nhuận kinh tế lớn, có khả năng góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, xuất khẩu... Trong khi đó, trữ lượng quặng titan trên thế giới ngày càng cạn kiệt.
Hầu hết quặng titan ở nước ta phân bố trên diện tích rộng, nằm trong các vùng ven biển và trung du thuộc tỉnh Thái Nguyên, nơi đang phát triển kinh tế năng động, có nhu cầu lớn về sử dụng đất. Một số diện tích chứa quặng titan đã được giao cho các dự án du lịch, các khu kinh tế như Khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, vịnh Vân Phong và các công trình xây dựng khác. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 104/2007-TTg) được xây dựng trong các năm 2005-2006 nên chưa cập nhật được các kết quả mới điều tra, các diện tích thăm dò chưa được xác định cụ thể. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản (Quyết định 116/2007/QĐ-TTg) cũng chưa tính đến đầy đủ các thông tin mới về quặng titan và các thành tạo địa chất chứa quặng titan.
Theo các chuyên gia địa chất khoáng sản, hiện công nghiệp chế biến quặng titan chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Các sản phẩm chủ yếu hiện nay là tinh quặng titan, ziricon, bột ziricon để xuất khẩu, xỉ titan để sản xuất que hàn. Một số dự án chế biến dioxit titan hoặc các sản phẩm khác mới đang được khởi công xây dựng. Để bảo vệ tài nguyên, cần khẩn trương thăm dò, khai thác tại một số khu vực, hoàn trả đất cho các mục đích khác.
(Theo Thu Phương- Báo Tài nguyên và Môi trường).