Tiền thân là Cục Vật lý Địa chất được thành lập trên cơ sở sát nhập Phòng Địa vật lý - Vụ Kỹ thuật với Đoàn 55 thuộc Tổng cục Địa chất theo Quyết định 141/CP ngày 1/9/1967 của Hội đồng Chính phủ. Khi đó Cục Vật lý Địa chất là đơn vị trực thuộc Tổng cục Địa chất, vừa đảm nhận chức năng chỉ đạo kỹ thuật địa vật lý toàn ngành, vừa triển khai thực hiện một số nhiệm vụ điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản bằng các phương pháp địa vật lý.
Năm 1977, Cục Vật lý Địa chất được đổi tên thành Liên đoàn Vật lý Địa chất theo Quyết định số 27/QĐ-TC, ngày 23/02/1977 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất. Tên gọi được giữ cho đến nay.
Từ năm 1990, Liên đoàn Vật lý Địa chất hoạt động trong cơ cấu quản lý và tổ chức của Bộ Công nghiệp theo Quyết định số 893/QĐ-TCCB, ngày 20/06/1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Từ năm 2002, Liên đoàn Vật lý Địa chất là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được quy định lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 513/2003/QĐ-BTNMT; Ngày 22/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 501/QĐ-ĐCKS ngày 06/08/2008 của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Quyết định số 54/QĐ-ĐCKS ngày 22/07/2011 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Quyết định số 429/QĐ-ĐCKS ngày 01/07/2014 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Trong 50 năm xây dựng và phát triển, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã vượt mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, không ngừng phấn đấu và phát triển trên các lĩnh vực công tác, đạt nhiều kết quả trong sản xuất, nghiên cứu, có những đóng góp xứng đáng vào công tác điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản nước ta.
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐIỂN HÌNH
Từ khi thành lập năm 1967 đến nay, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã được Nhà nước giao thực hiện hơn 300 đề án, báo cáo sản xuất và nghiên cứu khoa học với quy mô lãnh thổ, tỷ lệ khảo sát và tổ hợp công nghệ đo ghi khác nhau.
Theo quy mô lãnh thổ, tỷ lệ nghiên cứu, các đề án, báo cáo trên có thể xếp vào các nhóm nhiệm vụ:
I. Nghiên cứu, điều tra địa vật lý khu vực tỷ lệ nhỏ (<1:1.000.000 - 1:500.000);
II. Nghiên cứu, điều tra địa vật lý khu vực tỷ lệ trung bình (1:250.000 - 1:200.000);
III. Nghiên cứu, điều tra địa vật lý khu vực tỷ lệ lớn (1:100.000 - 1:25.000);
IV. Điều tra, đánh giá, thăm dò địa vật lý (>1:25.000).
Theo công nghệ và vị trí đo ghi có thể chia thành các nhóm phương pháp địa vật lý: hàng không, biển, mặt đất
Theo mục đích điều tra chính, đối tượng phục vụ có thể chia thành các nhóm phương pháp địa vật lý điều tra: địa chất-khoáng sản, địa chất môi trường, tai biến địa chất.
Sản phẩm của các đề án, báo cáo này hiện được lưu giữ tại hai cơ sở: Trung tâm Thông tin lưu trữ địa chất và Thư viện Liên đoàn Vật lý Địa chất.
Đây là nguồn tài liệu, thông tin vô giá không chỉ đã đóng góp, phục vụ cho sự nghiệp điều tra địa chất, tìm kiếm khoáng sản giai đoạn đã qua mà còn có ý nghĩa sử dụng lâu dài, tiếp tục được xử lý, phân tích nhằm khai thác phục vụ cho công tác nghiên cứu, điều tra đánh giá khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản sâu trong giai đoạn mới cũng như phục vụ cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân.
Kết quả điều tra nghiên cứu địa vật lý khu vực tỷ lệ nhỏ và trung bình đã mang lại một lượng số liệu khổng lồ. Các số liệu này được xử lý và xây dựng thành các bản đồ theo từng yếu tố và thành phần trường với tỷ lệ khác nhau. Cho đến nay phần lớn lãnh thổ Việt Nam, trên đất liền và các vùng biển đảo, đã được khảo sát, đo vẽ địa vật lý ở tỷ lệ 1: 1.000.000 và chi tiết hơn, phủ kín gần như toàn bộ diện tích với độ đồng nhất cao. Nhiều bộ bản đồ các trường địa vật lý và kết quả nghiên cứu địa vật lý khu vực lãnh thổ Việt Nam đã được đánh giá cao, như “bản đồ trường từ Việt Nam, tỷ lệ 1:500.000 và tỷ lệ 1:1.000.000”; “bản đồ trường dị thường trọng lực Việt Nam, tỷ lệ 1:500.000 và tỷ lệ 1:1.000.000”; “bản đồ điện trở suất đất Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000”; "bản đồ phóng xạ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000”; “bản đồ trường phóng xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:500.000”; "bản đồ radon tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000"; v.v. là sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học-công nghệ, trên cơ sở các tư liệu đã có. Các bản đồ này đang dần hình thành bộ atlas bản đồ các trường địa vật lý và tham số địa vật lý cơ bản nhất của lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền).
Kết quả đo vẽ trọng lực khu vực và bay đo từ phổ gamma tỷ lệ trung bình và tỷ lệ lớn đã cung cấp một khối lượng lớn tài liệu địa vật lý có giá trị cho công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất và tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 - 1:25.000 và tạo ra cơ sở dữ liệu bản đồ trường địa vật lý tỷ lệ tương ứng. Ngoài việc phục vụ công tác lập bản đồ địa chất trước đây, các tài liệu này hiện nay còn cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản cho nhiều đơn vị như đề án "Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam" (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam); "Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng Au đới Tam Kỳ-Phước Sơn" (Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam); v.v..
Kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò các mỏ, điểm khoáng sản bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý, địa chất do Liên đoàn Vật lý Địa chất chủ trì, hoặc phối hợp với các đợn vị khác thực hiện trong những năm qua đã có những đóng góp không nhỏ vào công tác tìm kiếm, phát hiện mới và nâng cao trữ lượng tài nguyên khoáng sản cho đất nước: pyrit (Giáp Lai); fluorrit (Xuân Lãnh); vàng (Bồng Miêu, Tiên Hà, Tiên Cẩm, A Ngo, …); sắt (Cao Bằng); Cu-Ni (Tuyên Quang, Cao Bằng); và đặc biệt là trong đề án "Điều tra đánh giá tiềm năng tài nguyên than trũng Sông Hồng"; v.v..
Kết quả thực hiện các đề án điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ với quy mô, tỷ lệ nghiên cứu khác nhau đã cung cấp những luận cứ có cơ sở khoa học và tin cậy giúp các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội:
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ điều tra địa chất công trình, đánh giá hiện tượng tai biến địa chất và đề xuất giải pháp khắc phục với quy mô, đối tượng khác nhau đã cung cấp những tài liệu khoa học khách quan, không chỉ làm sáng tỏ nguyên nhân hiện tượng tai biến sụt lún tại các địa phương, mà còn đề xuất các giải pháp, biện pháp để các cấp chính quyền địa phương có kế hoạch ứng phó, khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, ổn định sản xuất, đời sống (Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; …), doanh nghiệp (mỏ Nà Tùm, tỉnh Bắc Cạn; công ty THHH Đường cao tốc Xuân Mai, tỉnh Hòa Bình; …).
1. Bản đồ từ hàng không Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1:1.000.000
Bản đồ trường từ hàng không Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1:1.000.000 gồm hai bản đồ: Bản đồ trường từ hàng không Việt Nam (phần đất liền) và Bản đồ dị thường từ hàng không DTa Việt Nam (phần đất liền). Bản đồ thành lập theo niên đại 1990. Mạng lưới tài liệu có tỷ lệ vẽ thực tế là 1:500.000. Sau đó các bản đồ được biên tập để phục vụ xuất bản dưới dạng bản đồ số tỷ lệ 1:1.000.000. Bộ bản đồ công bố dưới dạng bản đồ đẳng trị có tiết diện 25 nT.
Bản đồ trường dị thường từ Việt Nam (Phần đất liền)
2. Bản đồ trường trọng lực Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1: 500.000
Bản đồ trường trọng lực Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1:500.000 gồm các bản đồ:Bản đồ trường dị thường trọng lực Bughe Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (phần đất liền); Mật độ lớp giữa 2,67 g/cm3và 2,58 g/cm3; Bản đồ trường dị thường Fai Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (phần đất liền); Các bản đồ thành lập với giá trị trọng lực bình thường theo công thức Helmert (1901÷1909) đã tính chuyển theo hệ thống trọng lực Quốc tế mới (Posdam, 1971), hiệu chỉnh địa hình theo phương pháp Prisivanco.
Bản đồ trường dị thường trọng lực bughe Việt Nam (phần đất liền)
3. Bản đồ phân vùng điện trở suất đất Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1:1.000.000
Bản đồ phân vùng điện trở suất đất Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 được thành lập từ các nguồn: Bộ bản đồ phân vùng điện trở suất đất Việt Nam năm 1988, các tài liệu đo sâu điện có từ sau năm 1988 đến 2003 là 12.470 điểm. Tất cả các điểm đo đều sử dụng hệ thiết bị 4 cực đối xứng Slumbeger. Bộ bản đồ gồm: 6 bản đồ điện trở (r1; r2; rbk) và chiều dày lớp đất mặt (h1);
Bản đồ phân vùng điện trở suất lớp đất mặt (R1) Việt Nam (phần đất liền)
4. Bản đồ trường phóng xạ Việt Nam (phần đất liền) tỷ lệ 1:1.000.000
Bản đồ phóng xạ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 biên tập năm 2008 trên cơ sở các tài liệu Bản đồ trường phóng xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 năm 1994 và thu thập các tài liệu đo phóng xạ từ năm 1994 đến 2007. Mạng lưới điểm thành lập bản đồ đạt mật độ (2´2) điểm/km2. Bộ bản đồ phóng xạ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 gồm ba bản đồ: Bản đồ giá trị phóng xạ tự nhiên Việt Nam, Bản đồ điểm dị thường phóng xạ Việt Nam và Bản đồ trường phóng xạ Việt Nam (bản đồ đẳng trị có tiết diện 5 mR/h).
Bản đồ phóng xạ Việt Nam (phần đất liền)
5. Bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 (phần đất liền và một số đảo lớn)
Đây là bộ bản đồ liên quan đến nghiên cứu môi trường địa chất hoàn thành năm 2014, gồm một loạt các bản đồ thành phần: Bản đồ radon tự nhiên, bản đồ bức xạ gamma tự nhiên và phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 theo đơn vị mSv/năm. Các bản đồ được thành lập từ kết quả các đề án nghiên cứu môi trường và đo bổ sung đạt mạng lưới (4-10)x10 km2/điểm.
Bản đồ phông bức xạ tự nhiên các tỉnh Việt Nam (phần đất liền)
6. Các bản đồ từ phổ gamma máy bay
Từ năm 1982 đến nay, công tác bay đo từ phổ gamma máy bay tỷ lệ 1:50.000-1:25.000 đã thực hiện theo 18 đề án riêng với tổng diện tích 94.791 km2. Diện tích trên phủ gần kín địa bàn từ Huế đến Phan Rang - Đà Lạt. Mạng lưới bay theo tuyến cách đều 250-500 m/tuyến, độ cao bay <100 m.
Các bản đồ trường thu được gồm:
- Bản đồ trường từ T tỷ lệ 1:50.000-1:25.000;
- Bản đồ trường dị thường từ DTa tỷ lệ 1:50.000-1:25.000;
- Bản đồ hàm lượng urani tỷ lệ 1:50.000-1:25.000;
- Bản đồ hàm lượng thori tỷ lệ 1:50.000-1:25.000;
- Bản đồ hàm lượng kali tỷ lệ 1:50.000-1:25.000;
- Bản đồ cường độ phóng xạ tỷ lệ 1:50.000-1:25.000.
Các bộ bản đồ trường từ, trọng lực, phóng xạ có mạng lưới số liệu theo tỷ lệ 1:500.000. Các bản đồ đã được số hóa lưu giữ các thông tin: vị trí và giá trị số đo để vẽ bản đồ và bản đồ đẳng trị. Với mỗi trường có các biện pháp xử lý cụ thể, đảm bảo lưu giữ được đầy đủ, khách quan các thông tin, thuận lợi cho việc khai thác sử dụng và yêu cầu bảo mật.
7. Một số mỏ điển hình phát hiện từ công tác địa vật lý
Các kết quả của công tác địa vật lý đã trực tiếp, hoặc góp phần quan trọng phát hiện các mỏ, thân quặng. Dưới đây là một số mỏ điển hình:
Mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh được phát hiện trực tiếp qua kết quả bay đo trường từ tỷ lệ 1: 200.000 lãnh thổ miền Bắc Việt Nam trong những năm 1960 của thế kỷ trước. Tổng trữ lượng và tài nguyên cấp B+C1+C2 đã tính được là 544 triệu tấn quặng.
Bằng phương pháp đo phóng xạ đã phát hiện một số mẫu đá có cường độ phóng xạ cao, từ đó đã tìm ra vùng mỏ phóng xạ - đất hiếm có trữ lượng lớn ở Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu.
Phân tích kết quả đo từ phổ gamma máy bay, kết hợp với tài liệu trọng lực mặt đất đã phát hiện trực tiếp và dự báo triển vọng urani ở vùng trũng Nông Sơn, ngày nay đã trở thành mỏ urani lớn nhất Việt Nam.
Phần lớn các mỏ sắt khác như Bảo Hà (Yên Bái), Lang Hit, Trại Cau (Thái Nguyên), v.v…; Các mỏ phóng xạ, đất hiếm có quy mô công nghiệp, các vùng tập trung sa khoáng titan, ilmenit đang khai thác hiện nay đều được ghi nhận trên các bản đồ dị thường từ, từ phổ gamma máy bay và bản đồ trường phóng xạ tự nhiên.
Bằng phương pháp phân cực kích thích vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước đã phát hiện mới các thân quặng pyrit nằm sâu có trữ lượng lớn nhất (khoảng 1 triệu tấn) ở mỏ pyrit Giáp Lai (Phú Thọ).
Tham gia thăm dò ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), do công ty Cra-E (Úc) và phía Việt Nam thực hiện, bằng phương pháp trường chuyển và phân cực kích thích phát hiện các thân quặng ở độ sâu >100 m trong điều kiện ở phía trên là các công trình thăm dò, khai thác dày đặc.
Các nghiên cứu địa vật lý tại vùng mỏ đồng Sinh Quyền, đồng-vàng nội sinh Tà Phời-Lào Cai xác nhận các dị thường địa vật lý rất có hiệu quả trong phát hiện các thân khoáng. Độ sâu phát hiện theo địa vật lý được kiểm chứng theo tài liệu khoan thăm dò. Độ sâu dự báo còn tồn tại khoáng hóa là >500m.
Mỏ quặng sắt magnetit có nguồn gốc skarn ở Boong Quang, tỉnh Cao Bằng được phát hiện năm 2002 khi tiến hành kiểm tra chi tiết diện tích triển vọng khoáng sản khoanh định theo tài liệu bay đo từ, trọng lực. Ở đây, khi đo vẽ lập bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 chưa phát hiện dấu hiệu quặng, kể cả biểu hiện khoáng hóa. Cùng tại đây đã phát hiện khoáng hóa đồng-nikel dưới sâu, đã được xác nhận theo kết quả khoan.
Mỏ magnesit Kon Queng, tỉnh Gia Lai cũng được phát hiện năm 2000 khi kiểm tra chi tiết diện tích triển vọng khoáng sản khoanh định theo kết quả bay đo từ- phổ gamma. Đây là mỏ quặng giàu có trữ lượng rất lớn.
Mỏ sắt, chì-kẽm ở Bản Duân, Nà Ón, tỉnh Bắc Cạn được phát hiện bằng tổ hợp các phương pháp điện, từ, trọng lực và trường chuyển. Kết quả xác định trữ lượng dự báo 470.047 tấn quặng chì-kẽm và 8.713.236 tấn quặng sắt.
Với những thành tích xuất sắc rất đáng tự hào đó, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016 Liên đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Văn phòng Tổng cục./.
Nguồn: Liên đoàn Vật lý Địa chất.