Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Nhật cho biết: Trong tháng 4, nạn khai thác, buôn bán quặng Mangan trái phép diễn ra rất phức tạp tại các huyện Đức Thọ, Lộc Hà và Can Lộc; hàng ngàn tấn Mangan đã được đưa ra ngoài tỉnh để tiêu thụ.
Quặng Mangan tại Hà Tĩnh phân bố trên diện rộng ở nhiều huyện, xã, mỏ lộ thiên dễ khai thác và có nhiều mỏ hiện nằm trong các vườn nhà của các hộ gia đình. Công ty cổ phần Mangan thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh được giao khai thác, chế biến, kinh doanh tại hai mỏ lớn là Đức An và Phú Lộc. Do Mangan phân bố rải rác lại không được chính quyền cũng như các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ nên các thương lái từ các tỉnh khác đến tổ chức khai thác thổ phỉ và mua bán. Tại Phú Lộc, Mangan có nhiều ở Làng Hội, xóm Thượng Hà và Đồi Bụt. Theo một số cán bộ của công ty cổ phần Mangan thì có ngày có 20 đến 30 máy xúc đào hoạt động, lấy đi hàng trăm tấn quặng. Do trong vườn có quặng nên nhiều hộ gia đình bán vườn cho các đầu nậu Mangan từ thành phố Vinh và để mặc cho họ khai thác. Đồi Bụt chưa được giao cho các hộ gia đình nên đầu nậu cùng với dân địa phương mặc sức khai thác. Tại Đức Thọ và Lộc Hà tình trạng khai thác Mangan trái phép còn diễn ra với qui mô lớn hơn. Các hộ gia đình có vườn nằm trên mỏ lúc đầu thì tự tổ chức khai thác thủ công rồi bán cho các đầu nậu, sau rồi liên kết với đầu nậu khai thác với số lượng lớn hơn. Tại xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà một số đầu nậu cấu kết với người dân địa phương đưa máy xúc và ô tô tải mở đường vào tận thượng nguồn hồ Khe Hao để khai thác ồ ạt, không theo qui trình kỹ thuật, chỉ trong thời gian ngắn diện tích mỏ bị khai thác trộm lên đến hàng ngàn mét vuông và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, cả một khu vực rộng lớn quang hồ cây cối bị chặt, bờ hồ bị máy xúc xúc đất đá nên bị lồi lõm, có nguy cơ bị sụp đổ. Những vùng được các đầu nậu mua vườn tập trung ở các địa bàn có trữ lượng quặng lớn như như xóm Thượng Tiến, xã Đức An, Đức Long, Đức Đồng, Đức Lâm, Đức Trung (Đức Thọ), Tân Lộc, Thịnh Lộc (Lộc Hà), Gia Hanh, Phú Lộc (Can Lộc). Sau khi mua vườn có quặng các đầu nậu chờ thời cơ, khi sự kiểm tra, kiểm soát lơi lỏng thì lập tức tổ chức khai thác vào ban đêm theo kiểu"đánh nhanh, rút gọn". Những điểm khai thác trộm đều đã được Công ty cổ phần Mangan chuẩn bị khai thác, đã đền bù cho các hộ gia đình, nhưng chưa được chính quyền bàn giao mặt bằng khai thác mỏ. Ở một số xã việc khai thác trái phép có dấu hiệu tiếp tay của chính quyền cơ sở. Những người dân tự khai thác rồi bán cho đầu nậu mỗi tấn chỉ được 100.000 đồng, trong khi đó giá bán tại Vinh cao gấp nhiều lần.
Nạn khai thác, buôn bán quặng Mangan trái phép trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đến hồi báo động đỏ. Tỉnh cần có biện pháp mạnh tay ngăn chặn ngay tình trạng khai thác, buôn bán trái phép quặng Mangan, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quí giá của đất nước và bảo vệ môi trường, sinh thái tại các địa phương trong tỉnh.
Theo Lê Văn Thơn Báo Tài nguyên và Môi trường ra ngày 02/05/2008