Qua kiểm tra mới đây của các cơ quan chức năng trong tỉnh, trong số 30 doanh nghiệp khai thác đá chỉ rất ít doanh nghiệp có thiết kế khai trường như Xi măng phòng không, Hợp tác xã 27/7, Công ty Vĩnh Thịnh...
Những mỏ còn lại do không có thiết kế khai trường nên cơ bản khai thác theo kiểu lộ thiên, nguy cơ mất an toàn càng lớn. Từ đầu năm 2007 đến nay, lượng thuốc nổ sử dụng trên địa bàn để khai thác công nghiệp tới gần 645 nghìn kg, song các cơ quan chỉ quản lý số lượng chứ không kiểm tra xuể từng quả nổ, lượt nổ, quy trình. Đáng lo ngại hơn, việc nổ mìn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cấu tạo địa chất nhất là ở cấu tạo địa chất ở Lạng Sơn có nhiều hang động cactơ, khi nổ mìn sẽ bị om và khả năng xô sập là khó tránh khi không có thiết kế an toàn khai trường. Tuy nhiên, việc cảnh báo từ xa cũng chỉ được các cơ quan nhắc nhở khi kiểm tra khai trường, nhiều chủ mỏ thấy đoàn kiểm tra đến thì thực hiện đúng quy trình, nhưng ngay sau đó lại khai thác theo cảm tính, thiếu quy hoạch. Bên cạnh đó, việc khai mỏ theo thói quen, nổ mìn theo kinh nghiệm khá phổ biến.
Theo thống kê hiện trên địa bàn tỉnh có 44 đơn vị đăng ký sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Năm 2007 cấp mới 8 giấy phép. 30 doanh nghiệp được phép khai thác đá nằm rải rác toàn tỉnh. Với những doanh nghiệp lớn, quy trình khai thác khá ổn định, công nhân nổ mìn đều được tập huấn nhưng tại các khu vực khai thác đá thường xuất hiện hàng loạt điểm khai thác, thu gom nhỏ lẻ nên tình trạng mất an toàn cao. Hai vụ tai nạn trong năm 2007 do nổ mìn khai thác đá gây chết người, còn những vụ sập hầm, đá lăn, đá văng thì khá nhiều, nhiều vụ chủ sử dụng lao động và người lao động không báo cáo nên cơ quan chức năng không thể thống kê hết.
Ở Quảng Ninh hiện có khoảng 40 mỏ khai thác đá đang hoạt động. Kết quả kiểm tra an toàn lao động gần đây nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá không làm sổ nhật trình theo dõi, phân công công việc hàng ngày cho công nhân; cấp dụng cụ bảo hộ lao động theo hình thức khoán, phát tiền cho công nhân tự mua trang bị bảo hộ lao động; công tác khoan nổ mìn không đeo dây bảo hiểm khi khoan đá, không có các điểm trú ẩn khi nổ mìn cho công nhân... Chưa có các chứng chỉ đào tạo nghề của người khoan nổ mìn, không tổ chức kiểm tra khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân... nên chưa bảo đảm an toàn lao động.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động. Chỉ thị chỉ rõ người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên môi trường, quy định, hướng dẫn lồng ghép kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
Không chỉ đối với hai tỉnh nói trên, cần tổng kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn lao động trong các mỏ khai thác khoáng sản trên cả nước, tránh hậu họa khôn lường.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động. Chỉ thị chỉ rõ người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản nhằm bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ tài nguyên môi trường, quy định, hướng dẫn lồng ghép kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật bảo vệ môi trường và an toàn lao động.
Không chỉ đối với hai tỉnh nói trên, cần tổng kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn lao động trong các mỏ khai thác khoáng sản trên cả nước, tránh hậu họa khôn lường.
(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường, ngày 02/4/2008)