Ngay sau khi mở chiến dịch truy quét than thổ phỉ và buôn lậu than, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng đã nhận được lời đe dọa sẽ "ám sát" ông và thân nhân.
Trò chuyện với báo giới, ông Hưng khẳng định không lùi bước trước bất kỳ lời đe dọa nào.
Ông cho biết: “Theo ước tính của Tỉnh ủy Quảng Ninh, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán than trái phép, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch lên đến 10 triệu tấn/năm, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 4.500 tỉ đồng và để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Trước tình hình đó, tỉnh ủy đã chỉ đạo tất cả cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc triệt phá than thổ phỉ và xuất khẩu lậu than”.
Thưa ông, từ khi nào tỉnh Quảng Ninh vào cuộc để ngăn chặn nạn khai thác than thổ phỉ và buôn bán than trái phép?
Từ năm 2002-2003, tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) để chống nạn khai thác than thổ phỉ. Trước đây việc khai thác than thổ phỉ chỉ ở các hình thức khai thác lộ thiên là chính, đào bới trong vườn nhà, ở những nơi việc quản lý còn lỏng lẻo thì mỗi năm chỉ thu được vài chục vạn tấn
Tuy nhiên, từ khi ngành than cho khai thác tận thu lộ thiên một cách ồ ạt trên địa bàn từ Đông Triều đến Mông Dương và giao Công ty Cổ phần Thương mại TKV thực hiện thì việc khai thác trở nên lộn xộn. Công ty này đã ký 61 hợp đồng kinh tế với 52 tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành than để bốc xúc, vận chuyển đất đá và than. Các đơn vị này đã đưa 116 máy xúc, 1.370 ôtô vận tải vào bốc xúc 13 triệu m3 đất đá, vận chuyển 6 triệu tấn than ra các bến bãi. Nguồn than này rất khó quản lý nên đã tạo điều kiện cho các cá nhân tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép.
|
Nghiêm trọng hơn, việc khai thác than lậu còn xảy ra ở ngay một số dự án được UBND tỉnh duyệt với danh nghĩa khoanh nuôi rừng, đầu tư hạ tầng đô thị lấy đất san gạt mặt bằng, làm đường giao thông... Thực chất, một số dự án được lập ra để "khai thác than với danh nghĩa tận thu" cũng đóng góp một số lượng lớn than xuất lậu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Không những thất thu về kinh tế, việc khai thác tận thu của TKV và khai thác than trái phép đều không hoàn nguyên môi trường đã gây biến dạng nhiều khu rừng núi, hàng loạt khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Xuất phát từ tình trạng trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định vào cuộc chấn chỉnh tình trạng khai thác, buôn lậu than nhằm thu hồi kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, gìn giữ vốn quí cho thế hệ mai sau.
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khai thác và xuất lậu than bùng nổ trong thời gian qua?
Trước hết phải nhận định việc quản lý lỏng lẻo, không đi sâu sát địa bàn và việc giá than lên cao, lợi nhuận lớn đã kích thích tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép nóng lên trong thời gian qua
Ngoài ra, kể từ khi Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có văn bản qui định về việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, TKV đã có văn bản cho phép chín đơn vị được phép xuất khẩu tiểu ngạch, các đơn vị này đã thuê tàu tư nhân vận chuyển than bán sang Trung Quốc cũng dẫn đến việc xuất than lậu dễ dàng hơn. Ước tính đến thời điểm này các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... có trên 1.000 tàu thuyền chở than lậu.
Theo ước tính, khối lượng tiêu thụ than lậu qua Trung Quốc mỗi năm trên 10 triệu tấn, với giá than hiện nay, Nhà nước thất thu tương ứng khoảng 4.500 tỉ đồng. Việc chảy máu khoáng sản trên địa bàn tỉnh rất lớn, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Ngoài ra, do bùng nổ nạn buôn lậu than nên trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các băng nhóm tranh giành vùng khai thác, tận thu, mua bán than thanh toán lẫn nhau, gây bất ổn về an ninh trật tự
Chiến dịch triệt phá các mỏ than thổ phỉ và nạn buôn lậu lần này được coi là qui mô nhất từ trước đến nay với sự vào cuộc của cả công an, quân đội, biên phòng, hải quan... Liệu chiến dịch này có thật sự ngăn chặn được tình trạng trên?
Cho đến nay tỉnh đã kiểm tra 104 tàu thuyền, trên 10 vạn tấn than và khoáng sản chở lậu ra biên giới Móng Cái chờ thời cơ chuyển sang Trung Quốc. Theo thông tin từ công an tỉnh báo cáo, đã xác định 96 tàu buôn bán kinh doanh than trái phép, sẽ tịch thu để xử lý
Tổng số than tịch thu có thể thu được gần 100 tỉ đồng cho ngân sách. Ngoài ra còn khoảng 100 tàu đã xuống than nhưng chưa kịp chở sang biên giới đã chạy sang các tỉnh bạn để lẩn trốn. Quảng Ninh đã có công điện đến các tỉnh bạn đề nghị phối hợp bắt giữ, xử lý.
Trong số các tàu thuyền bị bắt giữ, cơ quan công an đã báo cáo có thể khởi tố 14 vụ án và qua đó nhằm tìm ra nguồn gốc số than này ở đâu ra, ai là người bán ra, từ cảng nào, công ty nào để xử lý. Không loại trừ trong đó có sự tiếp tay của cán bộ các cơ quan chức năng.
Hành vi tiếp tay như vừa nêu, theo ông, cụ thể như thế nào?
Phải nói thẳng việc hàng triệu tấn than có thể xuất lậu mà không ai biết, không ai hay là điều vô lý. Tôi khẳng định có việc một số cán bộ đã hùn vốn đầu tư, mua máy móc bốc xúc, ôtô vận tải, tàu thuyền... để khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép.
Việc khai thác vận chuyển than lậu là có bảo kê. Điển hình là việc tàu chở than qua cảng Vạn Gia, lực lượng hải quan, biên phòng kiểm tra không đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn cho đi để lấy tiền tiêu cực... đã làm mất lòng tin của cán bộ và nhân dân. Thậm chí khi phát hiện sai phạm xảy ra nhưng chấn chỉnh còn yếu kém, không đủ sức răn đe.
Cơ quan công an sẽ làm rõ ai bảo kê, ai có quyền lợi sau những tàu chở than lậu. Qua xác minh ban đầu đã xác định một số đơn vị xuất hóa đơn nhưng công ty không có hoặc giám đốc ma. Có hóa đơn qua xác minh thì giám đốc đang ở trại cai nghiện, có giám đốc đang là nông dân, không biết gì đến khai thác than cả.
Tất cả điều này cho thấy có sự lỏng lẻo, bảo kê. Tôi khẳng định có cán bộ đằng sau, giờ sẽ tách bóc để điều tra, xử lý nghiêm.
Theo đánh giá, hiện nay không ít lao động là những nông dân ngoài tỉnh đang sống bám vào than thổ phỉ. Việc truy quét than thổ phỉ liệu có ảnh hưởng đến đời sống của người lao động?
Sẽ không ảnh hưởng gì đến lao động ngành than. Tình trạng khai thác trái phép và xuất lậu hiện nay đang làm đời sống của lao động ngành than điêu đứng, công nhân than bất bình vì không có chỗ làm tốt, thu nhập thấp. Nguyên nhân là những mỏ than tốt đều được giao khoán cho các công ty tư nhân khai thác.
Do đó, việc đóng cửa các khai trường tận thu này được công nhân mỏ rất ủng hộ vì triệt phá được than thổ phỉ, công nhân mới có công việc làm, có thu nhập. Nếu có cơ chế mở thì tỉnh sẽ đề nghị Nhà nước và TKV cho mở công trường tận thu và mua với giá tốt để quản lý, khi đó sẽ thu hút những lao động đang sống nhờ vào than thổ phỉ. Lợi nhuận từ tận thu than sẽ được đưa vào ngân sách chứ không phải vào túi tư nhân như hiện nay.
Chủ trương mở chiến dịch tổng tấn công truy quét than thổ phỉ, buôn lậu than liên quan đến việc ông và gia đình bị bắn tin đe dọa "ám sát" trong những ngày qua?
Điều này là hoàn toàn có thể. Tôi nhận được thông tin một số cai than có âm mưu "ám sát" tôi hoặc người thân khoảng một tuần nay. Gia đình cũng đề phòng. Khi nghe tin này, vợ tôi đã thức mất cả đêm, lo nghĩ và khóc, chỉ lo có ai trong nhà bị làm sao. Trong những ngày này, tôi chỉ biết khuyên bà ấy rằng đây chỉ là đe dọa, dọa nạt thôi. Các con tôi cũng rất ủng hộ tôi trong chiến dịch này.
Thật ra, chủ than lậu trên địa bàn Quảng Ninh rất nhiều, trong đợt truy quét vừa qua dư luận cho rằng có chủ bị bắt đến 20 tàu, số tiền bị mất lên đến hàng chục tỉ nên việc đe dọa tôi là hoàn toàn có thể.
Theo tôi, do họ quá cay cú nên bắn tin đe dọa nhằm làm mình chùn không dám làm. Thậm chí có người khuyên tôi rằng ông sắp về hưu rồi, không nên căng thẳng quá, ảnh hưởng đến gia đình. Khuyên có, đe dọa có nhưng tôi không sợ, tôi không thể không làm chiến dịch này, vì chậm một ngày Nhà nước có thể mất đi hàng tỉ đồng. Hiện giờ có công an, quân đội bảo vệ nên tôi cũng an tâm. Tất nhiên, mình cũng phải đề phòng.
Ông có sợ sau này khi về hưu sẽ bị trả thù?
Nói thẳng là tôi không sợ. Tôi không làm cho tôi mà làm cho đất nước, cho nhân dân, cho người lao động ngành than. Vì thế chính những công nhân than đất mỏ sẽ bảo vệ tôi. Những kẻ vi phạm pháp luật sớm muộn cũng sẽ bị nghiêm trị.
Tất nhiên tôi vẫn mong một ngày họ sẽ nhận thức ra vấn đề buôn lậu là phạm pháp, để đi vào con đường làm ăn chân chính, đóng góp xây dựng đất nước.
Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 21 tháng 4 năm 2008