Hôm nay là ngày đặc biệt quan trọng, ngành Địa chất Việt Nam tổ chức Đại hội Tổng hội Địa chất Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2018-2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với ngành Địa chất và những người làm công tác địa chất Việt Nam.
Địa chất là một ngành đã có hơn 70 năm truyền thống phát triển. Biết bao thế hệ người Địa chất Việt Nam đã lao động, cống hiến, thậm chí hy sinh cả xương máu cho sự nghiệp địa chất Việt Nam. Chúng ta biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ địa chất.
Các bộ bản đồ tỷ lệ 1:500.000; 1:200.000; 1:1.000.000 và 1:50.000 là nền tảng, những công trình đồ sộ đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, gắn liền với thế hệ vàng của ngành Địa chất, với những nhà địa chất tiêu biểu như: Nguyễn Văn Triển, Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Đặng Vũ Khúc, Trần Văn Trị, Đỗ Hải Dũng, Phan Cự Tiến, Nguyễn Nghiêm Minh, Vũ Ngọc Hải... và nhiều nhà địa chất có mặt, không có mặt trong Đại hội hôm nay.
Địa chất là ngành khoa học, đối tượng là các thành tạo địa chất, khoáng sản, gắn với thiên nhiên, ở những vùng núi cao, khó khăn, lúc nào cũng gian khổ. Ngày nay, phương tiện thuận lợi, thiết bị hiện tại nhưng gian khổ lúc nào cũng hiện hữu. Gần đây, 6 anh em của tổ đo vẽ bản đồ địa chất thuộc Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền bắc triển khai thực địa ở Mường Tè, Lai Châu, lũ quét ập đến, anh em bỏ hết tư trang cá nhân mang theo, chỉ giữ lại bản đồ và nhật ký để thoát khỏi nguy hiểm. Hình ảnh này không ai muốn, bình dị, thật cảm động, đầy chất địa chất; tinh thần địa chất của các thế hệ vẫn được tiếp nối đến hôm nay.
Các nhà địa chất phải có khát vọng để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ trên cơ sở luận chứng khoa học. Những hết quả gần đây là những minh chứng cho điều này
Thời gian qua, các nhà khoa học, các nhà địa chất ở các Viện, các Trường đã triển khai nhiều nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của Ngành và địa phương, nhiều công trình khoa học đã được tặng các giải thưởng cao quý.
Các đề án địa chất có quy mô lớn gắn liền với những nghiên cứu, công nghệ tiên tiến của các nhà địa chất Việt Nam với sự hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Đề án than đồng bằng sông Hồng đã nắm được công nghệ khoan và triển khai nhiều lỗ khoan đến độ sâu hàng nghìn mét, sắp tới để triển khai công nghệ khí hoá than sẽ tiến hành khoan ngang. Hợp tác với các đối tác Canada để chưng khí áp than đồng bằng sông Hồng chạy các tổ hợp phát điện, đến vài nghìn MW chưng khí áp trên diện tích 20km2
Urani, các nhà địa chất Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Viện SECGEI Nga đã chứng minh thân quặng công nghiệp Urani nằm ở sát đáy bồn trầm tích gần nguồn cung là các thành tạo magma Đại Lộc, Bến Giằng, Quế Sơn; đây là phát hiện mới để tiếp tục đánh giá, thăm dò Urani của trũng Nông Sơn, dự báo có thể tới nhiều chục ngàn tấn.
Sự phát hiện quặng Wonfram Sealit-skarn gắn với granite sông Chảy và các thành tạo biến chất của loạt sông Chảy, là những phát hiện rất mới, mở ra triển vọng lớn về tiềm năng của khu vực sông Chảy, Hà Giang.
Chủ động hợp tác với Cục Địa chất Vương quốc Anh để bắt đầu xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản bằng công nghệ tiên tiến, công nghệ số.
Tổng hội đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội GEOSEA. Đây là hội nghị khoa học có tầm cỡ quốc tế, tập trung được nhiều nhà khoa học địa chất ở các nước tiên tiến và Đông Nam Á; là bằng chứng về uy tín, khả năng tổ chức, tập hợp giới khoa học địa chất quốc tế của Ngành Địa chất Việt Nam với 150 bài báo quốc tế.
Ngành Địa chất đã đề xuất Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ trọng tâm trong điều tra địa chất và đánh giá khoáng sản:
- Đẩy mạnh điều tra địa chất, đánh giá khoáng sản, từng bước làm rõ tài sản, tài nguyên, giá trị khoáng sản của các mỏ kim loại có quy mô lớn thường nằm ở sâu đến 1000m, mà đến nay chưa được điều tra, đánh giá.
- Tiếp tục làm rõ tài nguyên khoáng sản năng lượng: than, urani, thori đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển, đặc biệt là nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử theo cơ cấu phát triển ngành năng lượng đã được phê duyệt và phù hợp với xu thế phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.
- Tăng cường đầu tư điều tra làm rõ, sáng tỏ nguyên nhân, đánh giá đặc điểm, phạm vi của các tai biến địa chất (sụt lún, trượt lở, sói lở hệ thống sông, bờ biển, nước biển dâng, động đất, sóng thần …), đặc biệt ở dải ven biển Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc và các khu vực khác.
Đây là nhiệm vụ, là hiện thực của ngành địa chất, đề nghị các nhà địa chất của Tổng hội phải bám sát vào hiện thực và thực tiễn này để có những đóng góp thiết thực.
Đại hội Tổng hội Địa chất Việt Nam lần thứ 8 là minh chứng cho sự tập hợp các nhà địa chất Việt Nam để đóng góp xứng đáng vào hiện thực của ngành địa chất và sự phát triển của đất nước. Tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội Tổng hội Địa chất Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2018-2023.