Nghị quyết này định hướng việc điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết.

* Năm 2045: Toàn bộ đất liền và biển được lập bản đồ địa chất khoáng sản

Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu cụ thể cả về điều tra địa chất và đánh giá nguồn khoáng sản trên cả nước.

Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ; điều tra địa chất, khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000 tại một số khu vực đến độ sâu 300 và 1.500 mét nước. Thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.

Đến năm 2030, 85% diện tích phần đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; khoanh định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi để hướng tới ứng dụng công nghệ chôn lấp các-bon và các chất độc hại khác. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển. Hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Chính trị đề ra 5 giải pháp lớn. Đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; Hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý; Tăng cường nguồn lực và Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế. 

* Tập trung sửa Luật Khoáng sản

Trong nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh đến việc thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Tổng kết, đánh giá đầy đủ việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Trong sửa Luật Khoáng sản, đặc biệt lưu ý quy định cụ thể nội dung điều tra cơ bản địa chất tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…); Ưu tiên công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với yêu cầu đánh giá tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng ở một số vùng biển trọng điểm.

Luật cần thể chế quan điểm điều tra cơ bản địa chất chủ yếu do Nhà nước thực hiện, xã hội hóa nguồn vốn thực hiện một số đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo quy hoạch; kết quả điều tra cơ bản địa chất, thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản (là cơ sở dữ liệu quốc gia) phải được thẩm định, nộp vào lưu trữ địa chất để quản lý tập trung, thống nhất; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế để phát huy nguồn lực tài chính tái đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất.

Đặc biệt, Luật cần rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Một số chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung là đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quản lý theo nguyên tắc thị trường; ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia; Điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản; hoàn thiện chính sách xuất - nhập khẩu và dự trữ khoáng sản; Hoàn thiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản...

* Áp dụng mô hình quản trị khoáng sản minh bạch

Trong nhóm giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.

Để quản lý hiệu quả, các ngành, địa phương cần khẩn trương lập, phê duyệt Quy hoạch về điều tra cơ bản địa chất; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch (hoàn thành trong năm 2022); Chiến lược địa chất, khoáng sản, phát triển công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản phục vụ đa mục tiêu. Hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, trong đó có hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản từ Trung ương đến địa phương trước năm 2025.

Để khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên, cần ưu tiên cấp phép dự án khai thác khoáng sản cho tổ chức doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản; cải tạo, mở rộng nâng cấp các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

* Tăng cường nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực

Trong nhóm tăng cường nguồn lực, Bộ Chính trị chú trọng đến cả nguồn tài chính, công nghệ và nhân lực.

Về tài chính, Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước kết hợp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch để có đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ đa mục tiêu (quốc phòng, an ninh, giao thông, xây dựng, công thương, nông nghiệp...); điều tra phân định các cấu trúc địa chất sâu thuận lợi, hướng đến ứng dụng công nghệ chôn lấp các-bon, đánh giá tiềm năng khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác.

Về công nghệ, Nghị quyết khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản, (nhất là khoáng sản kim loại ẩn sâu trên các khu vực có triển vọng đến 1.000 m) và khai thác, chế biến khoáng sản. Hoàn thành việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước năm 2030.

Về nhân lực, cần chú trọng đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề cho ngành Địa chất, khoáng sản, đi đôi với thực hiện chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ, nhất là cải cách tiền lương.

Ngoài ra, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên địa chất, khoáng sản, quản lý tập trung, thống nhất trước năm 2025; thiết lập nền tảng tài nguyên số, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, khai thác khoáng sản bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác, học tập kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, điều tra các khoáng sản ẩn sâu; trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản, không gian ngầm và quản trị tài nguyên khoáng sản. Hợp tác nghiên cứu công nghệ khai thác than nâu vùng đồng bằng Sông Hồng; khảo sát hang động; điều tra, khảo sát các di sản địa chất; cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan sau khai thác khoáng sản...

Một số dự án trọng điểm được nhấn mạnh cần hoàn thành trong Nghị quyết là hoàn thành đầu tư dự án khai thác, chế biến quặng crômit tại Cổ Định (Thanh Hoá), luyện, cán thép tại mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) trước năm 2025. Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiệm cận trình độ thế giới để đầu tư khai thác than nâu vùng đồng bằng Sông Hồng; đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ti-tan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030…

Theo Bảo Châu Cổng thông tin Điện tử - Bộ Tài nguyên và Môi trường