Mỗi năm qua đi, kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiếp tục bổ sung thêm những thành tựu, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho ngành Địa chất Việt Nam, đó là phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam tại Lễ Gặp mặt 72 năm Ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (1945-2017).
Tổng hội Địa chất Việt Nam vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2012-2016
Sáng 01/10/2017 tại số 06 Phạm Ngũ Lão - Hoàn Kiếm - Hà Nội, Tổng hội Địa chất Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Gặp mặt 72 năm Ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (1945-2017). Lễ Gặp mặt vinh dự có sự hiện diện của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Hải Dũng; Ban Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; nguyên Lãnh đạo Tổng cục và Cục qua các thời cùng đông đảo cán bộ công nhân viên đã và đang làm việc trong Ngành Địa chất Việt Nam.
Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐC&KS VN, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam PGS.TS Đỗ Cảnh Dương phát biểu tại buổi Lễ
Tại buổi Lễ, PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đã phát biểu: Năm vừa qua, Tổng cục đã xây dựng trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 02 Nghị định, 05 Thông tư. Như vậy, đến nay đã có 06 Nghị định (02 Nghị định đã được thay thế), 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch được ban hành, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý nhà nước về khoáng sản.
Luật khoáng sản năm 2010 với một số quy định mới lần đầu tiên áp dụng đến nay đã thực hiện được 06 năm. Ngoài những mặt tích cực, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa công nghiệp khai khoáng nước ta ổn định và chuyển dần phát triển từ bề rộng sang chiều sâu thì cũng có những vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập. Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục đã chủ trì và triển khai đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đánh giá 05 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 2010 để rà soát, đánh giá tác động của các chủ trương, chính sách, quy định mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản. Trên cơ sở đó để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cũng như quy định mới để hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong giai đoạn mới.
Về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản: Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tiếp tục được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; Công tác tính tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đã góp phần đáng kể tăng thu ngân sách nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản duy trì có hiệu quả, góp phần đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp và lần đầu tiên Tổng cục đã triển khai Sổ giám sát hoạt động thăm dò/khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp hoạt động theo giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài các đề án Chính phủ, vốn thường xuyên, vốn góp của tổ chức và cá nhân, năm qua, Tổng cục đã hoàn thành việc xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” với mục tiêu tổng quát là điều tra tổng thể tiềm năng khoáng sản, tài nguyên địa chất, đo vẽ hoàn thiện bản đồ địa chất khoáng sản, tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong đó có nhiệm vụ điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081km2 của 8 nhóm tờ; điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản nội sinh ẩn, sâu ở các cấu trúc địa chất thuận lợi, có tiền đề, dấu hiệu chứa các khoáng sản.
Một năm qua, về phía Tổng hội Địa chất Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Theo đó, đến nay, Tổng hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ những người đã và đang làm công tác địa chất: hơn 10.000 hội viên trên toàn quốc trong đó có 60 GS, 160 PGS, hàng trăm TS, Ths và hàng ngàn KS, Kỹ thuật và công nhân lành nghề. Năm vừa qua Tổng hội đã công nhận Câu lạc bộ Kế hoạch Địa chất là Hội Kế hoạch Địa chất, nâng số Hội trực thuộc lên 11 Hội và 32 Tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ.
Về tư vấn phản biện xã hội, Tổng hội Địa chất Việt nam đã tích cực, chủ động tư vấn, đề xuất 1 số đề tài thiết thực phục vụ doanh nghiệp. Đặc biệt, một số nhà địa chất có kinh nghiệm đã góp ý, phản biện, bảo vệ mục tiêu, nhiệm vụ đến công tác địa chất của nhiều dự án lớn. Hiện nay, Tổng hội đang phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tích cực chuẩn bị nội dung, các công việc để tổ chức “Đại hội Địa chất khu vực về Địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á - GEOSEA” lần thứ XV dự kiến vào tháng 10 năm 2018 tại Hà Nội.
"Trong công cuộc đổi mới hôm nay, tri ân các thế hệ những người địa chất đã đi trước, tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Địa chất Việt Nam trong 72 năm qua, thế hệ những người làm công tác địa chất hôm nay đã, đang và sẽ chủ động hơn nữa, lao động sáng tạo hơn nữa để tìm thêm nhiều tài nguyên khoáng sản, góp phần làm giàu cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta", Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương khẳng định.
Một số hình ảnh tại Lễ Gặp mặt:
Văn phòng Tổng cục./.