75 năm xây dựng và phát triển ngành Địa chất là dấu mốc để đánh giá lại những thành tích quan trọng của ngành Địa chất Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước với biết bao công sức, hy sinh của nhiều thế hệ các nhà địa chất.

        Đây cũng là cơ hội để ngành Địa chất bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những chặng đường khó khăn, thuận lợi của Ngành.

       Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng của nước ta, ngành Địa chất Việt Nam đã liên tục phát triển vững chắc, với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng trong từng thời kỳ.

 

       I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH ĐỊA CHẤT VIỆT NAM

    Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của ngành Địa chất, ngày 02/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha Kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam.

       Sau ngày hòa bình lập lại, để phù hợp với tình hình mới, ngày 28/3/1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp đã được thành lập, sau đổi tên thành Cục Địa chất, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất. Trước yêu cầu của phát triển đất nước, đòi hỏi công tác điều tra, tìm kiếm, thăm dò mỏ phải được tiến hành đồng bộ, gắn với chức năng nhiệm vụ của môt cơ quan quản lý nhà nước, ngày 26/7/1960, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 18/TCT về việc thành lập Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra những kết quả quan trọng, nhiều công trình nghiên cứu khoa học địa chất có giá trị được hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, để ngành khai khoáng phát triển. Năm 1995, trước nhu cầu phát triển mới của nền kinh tế quốc dân, Tổng cục Dầu khí (nay là tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- PVN) trực thuộc Chính phủ mà tiền thân là Liên đoàn Địa chất 36 đã được thành lập.

      Ngay sau ngày miền Nam nước ta được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đng và Nhà nước ta đã ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về địa chất và tìm kiếm thăm dò khoáng sản ở miền Nam. Để tiếp tục đẩy mạnh các công tác này trên phạm vị cả nước, ngày 1/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định số 166/HĐBT thành lập Tổng cục Mỏ và Địa chất. Theo Quyết định nêu trên, ngoài các nhiệm vụ chuyên ngành về địa chất, Tổng cục còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành Mỏ và Địa chất; theo đó, công tác quản lý về khai thác, sử dụng khoáng sản đã được chú trọng. Có thể nói đây cũng là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ của ngành Địa chất Việt Nam. Nhiều công trình khoa học địa chất tầm cỡ quốc tế đã ra đời, một số mỏ lớn cũng đã bước đầu đưa vào khai thác, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

     Thực hiện đường lối đổi mới, sắp xếp lại bộ máy các Bộ, trên cơ sở Tổng cục Mỏ và Địa chất, năm 1990 đã thành lập Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, sau này là Bộ Công nghiệp. Một số đơn vị địa chất cũng đã được tách ra để hình thành các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ thăm dò và khai thác khoáng sản.

     Nhằm thống nhất, tập trung đầu mối quản lý, ngày 4/12 /1996, Chính phủ đã ra Nghị định số 79/CP về việc thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Cục Địa chất Việt Nam và Cục Quản lý Tài nguyên Khoáng sản Nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp và trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường từ tháng 11 năm 2002. Đến năm 2008, một số đơn vị thuộc Cục được, như Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển được chuyển sang trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; các đơn vị địa chất thủy văn - địa chất công trình đã được chuyển sang Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Trắc địa được chuyển sang Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

      Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc lấy ngày 02/10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam.

      Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản và đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tháng 7/2011, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được nâng cấp thành Tổng cục Địa chất và Khoáng sản theo Quyết định số 26/2011/QĐ-TTg, ngày 4 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 02 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2014/QĐ-TTg, ngày 19 tháng 02 năm 2014, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

     Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung vẫn luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đặc biệt đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.

      Trải qua 75 năm, ngành Địa chất đã liên tục phát triển về bộ máy tổ chức, năng lực, công nghệ điều tra đánh giá địa chất – khoáng sản và các tài nguyên địa chất khác. Các đơn vị địa chất ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi cả nước, phối hợp triển khai các đề án có quy mô lớn với sự điều hành thống nhất, hệ thống từ Tổng cục. Các viện, các trường đại học đã phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Các Tập đoàn: Dầu khí Quốc gia, Than - Khoáng sản Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Các nhà địa chất Việt Nam đã tạo nên hình ảnh đẹp, tích cực và trung thực trong khoa học, đoàn kết, phối hợp với nhau, dưới mái nhà chung của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động địa chất trên toàn quốc... (trích lược)

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương, Nguồn Tạp chí Địa chất số 271-272

Các tệp gắn kèm: