Ngày 21/3, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ TN&MT) phối hợp với Cục Tài nguyên năng lượng (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật về kinh tế địa chất và các phương pháp định giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản và hội thảo “Phát triển bền vững tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam”.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ thực hiện Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Cục Địa chất Việt Nam, Bộ TN&MT và Cục Tài nguyên năng lượng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

le-quoc-hung.jpg

Ông Lê Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lê Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 60 loại mặt hàng tài nguyên khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ và điểm khai thác và sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên toàn cầu. Nhu cầu năng lượng tái tạo trên toàn cầu ngày càng tăng, cùng với ngành đất hiếm hiện vẫn chưa được đáp ứng được nhu cầu do số lượng nhà cung cấp hạn chế.

Do đó, khóa tập huấn chính là cơ hội để các cán bộ chuyên ngành khai khoáng của Việt Nam tiếp nhận thông tin, kiến thức về đất hiếm, học hỏi phương pháp, cách tiếp cận của quốc tế khi đưa đất hiếm tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu của toàn cầu. Việc tiếp nhận kiến thức này sẽ tăng cường năng lực chung của toàn ngành khai khoáng, sớm đưa ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng khai khoáng của Việt Nam.

Tại khóa tập huấn, các đơn vị đã được tiếp cận đến các vấn đề bao gồm: Tìm hiểu thị trường (giới thiệu về chuỗi cung ứng của đất hiếm và thảo luận các phương án phát triển thị trường); tìm hiểu giá trị của tài nguyên (tổng quan về địa chất kinh tế, báo cáo tài nguyên và các phương pháp định giá tài sản); tăng cường giá trị kinh tế từ tài nguyên thiên nhiên (tổng quan về quyền sở hữu và chế độ tài chính).

Ông Albert DeGarmo, Cục Tài nguyên năng lượng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, Chính phủ Việt Nam đứng trước cơ hội tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội của lĩnh vực khoáng sản chủ chốt hiện đang tăng trưởng và được sự quan tâm trong ngắn hạn và trung hạn. Để phát triển ngành tài nguyên khoáng sản, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ vào ngày 10/9/2023 để chính thức hóa hợp tác kỹ thuật chung.

Trong đó, Hợp tác kỹ thuật bao gồm 4 nhiệm vụ chính như: Nâng cao kiến thức của Việt Nam về tiềm năng đất hiếm; xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường để phát triển ngành công nghiệp chế biến và hạ nguồn về đất hiếm; nâng cao khả năng cạnh tranh trong quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam thông qua phân tích các chính sách hiện hành của quốc gia về quản lý khoáng sản; thúc đẩy liên kết chặt chẽ về tài nguyên khoáng sản giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam.

ong-david-bird-jpg.jpg

Ông David Bird, chuyên gia định giá khai khoáng Hoa Kỳ chia sẻ về triển vọng thị trường đất hiếm

Đánh giá về triển vọng thị trường đất hiếm, ông David Bird, chuyên gia định giá khai khoáng thuộc nhóm Deloitte (tư vấn khai khoáng của Hoa Kỳ) cho biết, nhu cầu về thị trường đất hiếm dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong thập kỷ tới do việc sử dụng nam châm vĩnh cửu đất hiếm (REPM) ngày càng tăng trong xe điện, tua-bin gió và các mục đích khác. Đặc biệt, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ về các loại đất hiếm như: neodymium REO và praseodymium từ tính.

Để thu hút doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam, ông David Bird cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi và thiết lập các mối quan hệ thương mại giúp các công ty đưa ra những lựa chọn chiến lược tốt và cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cơ chế thuế và tiền khai thác khoáng sản của Chính phủ phải cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu tài chính của đất nước với nhu cầu thu hút thêm đầu tư. Khả năng cạnh tranh của cơ chế được đo lường với các thị trường có điểm mạnh về địa chất và địa chính trị tương tự.

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng luật thuế tổng thể nhằm tránh tác động của việc thoái vốn trong thời kỳ thị trường giá xuống, đồng thời tận dụng lợi thế của thị trường giá lên, hướng tới duy trì sự cân bằng cạnh tranh trong việc chia sẻ lợi nhuận từ doanh nghiệp.

_mg_2802.jpg

Các đại biểu tham dự khóa tập huấn

Tại khóa tập huấn, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về thông tin tài nguyên trữ lượng đất hiếm trên thế giới, đánh giá tác động môi trường khai thác đất hiếm…Từ đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp phát triển tài nguyên đất hiếm như: đầu tư công nghệ chế biến đất hiếm, ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường, ổn định chính sách đầu tư như chính sách thuế, phí ổn định tối thiểu trong khoảng 10 năm, minh bạch hóa quy trình triển khai dự án...