Lịch sử nghiên cứu địa chất và tài nguyên địa chất ở Việt Nam đã trải qua hơn 150 năm, bắt đầu từ khi người Pháp đến vùng đất này. Nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ nhà địa chất trong và ngoài nước, bức tranh địa chất và tài nguyên trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng sáng tỏ, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, đáng chú ý là những thành tựu nổi bật của Ngành Địa chất Việt Nam trong suốt gần 80 năm qua.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm truyền thống ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2024), phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam - về những thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian qua.

anh-1.png

Tiến sĩ Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam

1 Xin ông chia sẻ những thành tựu nổi bật của Ngành Địa chất trong 79 năm qua?

TS. Trần Bình Trọng: Từ ngày 2/10/1945, khi Nha Kỹ nghệ (sau đổi tên thành Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ) thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ngành Địa chất Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tương ứng với sự thay đổi của đất nước. Từ đó, ngành ngày càng đa dạng về tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu và sản phẩm, đồng thời hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Thành tựu lớn nhất trong 79 năm qua chính là sự gia tăng hiểu biết về cấu trúc vỏ Trái đất của Việt Nam, cả trên đất liền và vùng biển, hải đảo. Ngành cũng đã phát hiện và dự báo được quy luật phân bố và giá trị kinh tế - xã hội của nhiều loại tài nguyên địa chất; đánh giá tác động của các tai biến địa chất và thảm họa môi trường. Từ đó, ngành đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách và quy hoạch, góp phần bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước.

"Trong gần 80 năm qua, công tác điều tra, nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình cũng đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), công tác điều tra, nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình được tiến hành trong toàn quốc - trọng tâm nhằm vào các khu đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm"

anh-2-a-trong.jpg

 

TS.Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, nhiều công trình nghiên cứu tổng hợp về địa chất và tài nguyên của Việt Nam và các vùng lân cận đã được xuất bản, lưu hành rộng rãi.

Những thành tựu này được thể hiện qua nhiều sản phẩm khoa học - thực tiễn, nổi bật nhất là các bản đồ địa chất với các tỷ lệ khác nhau (1:1.000.000, 1:500.000, 1:200.000) phủ kín toàn bộ lãnh thổ. Ngoài ra, có các bản đồ địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất đô thị, bản đồ địa mạo và nhiều loại bản đồ khác phục vụ đa dạng các mục đích nghiên cứu và phát triển.

Từ năm 1965 đến nay, nhiều công trình nghiên cứu tổng hợp về địa chất và tài nguyên của Việt Nam và các vùng lân cận đã được xuất bản và lưu hành rộng rãi. Đặc biệt, gần đây nhất là bản đồ “Địa chất và Tài nguyên Việt Nam và các vùng biển kế cận” tỷ lệ 1:1.000.000, do Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Trị chủ biên, được xuất bản năm 2023. Bên cạnh đó, ngành cũng đạt được nhiều thành tựu trong công tác điều tra, tìm kiếm và thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có các loại tài nguyên có quy mô lớn trên thế giới như bauxite, ilmenite-zircon, đất hiếm, than năng lượng và cát trắng. Đặc biệt, việc thăm dò tiềm năng dầu khí cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.

" Từ những thập kỷ cuối thế kỷ 20, Nhà nước đã đầu tư những lĩnh vực mới về địa chất thủy văn - địa chất công trình như: thiết lập và vận hành mạng lưới quốc gia quan trắc động thái nước dưới đất trên những vùng kinh tế, dân cư quan trọng; điều tra địa chất thủy văn môi trường; tai biến địa chất, địa chất đô thị... và đã đạt được kết quả tốt phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. "

Ngoài ra, hệ thống quan trắc động đất và cảnh báo sóng thần quốc gia cũng được thiết lập và nâng cấp từ năm 1924, liên kết với hệ thống cảnh báo trong khu vực Đông Nam Á, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

anh-3-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Những nhà địa chất đã in dấu chân trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc từ núi rừng đến biển đảo

anh-4-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Hành trình trèo đèo, lội suối đổ nhiều mồ hôi, công sức để khám phá những tầng đất, vỉa đá… của người địa chất

anh-8-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ nhà địa chất trong và ngoài nước, bức tranh địa chất và tài nguyên trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng sáng tỏ

anh-6-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Các nhà địa chất thực hiện công tác đo địa vật lý

anh-9-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Những mẫu địa chất được bảo lưu cẩn thận

anh-7-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Ngành Địa chất Việt Nam ngày càng đa dạng về tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu và sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng

anh-5-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Trong thời gian tới, Ngành Địa chất sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ

Ngành Địa chất Việt Nam ngày càng đa dạng về tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu và sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng

2 Những kết quả trên đã được Nhà nước đánh giá và ghi nhận như thế nào, thưa ông?

TS. Trần Bình Trọng: Nhiều công trình nghiên cứu của ngành Địa chất đã nhận được những giải thưởng cao quý của Nhà nước, nổi bật là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 2005) cho các công trình như Bản đồ Địa chất Việt Nam và Bản đồ Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000. Ngoài ra, còn có các công trình nghiên cứu về tìm kiếm và khai thác dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam tại bể Cửu Long (năm 2012) và công nghệ xử lý dầu thô trong điều kiện đặc thù của mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro (năm 2017).

Ngành cũng đóng góp rất lớn vào việc xây dựng các hồ sơ khoa học để công nhận nhiều khu vực của Việt Nam là di sản thiên nhiên thế giới và công viên địa chất toàn cầu như Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng và Cao nguyên đá Đồng Văn.

anh-10-bai-79-nam-dia-chat.jpg

 "Công tác lập bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình được đẩy mạnh ở quy mô quốc gia, điển hình là các công trình tổng hợp như bản đồ địa chất thủy văn Việt Nam tỷ lệ 1:500.000 (năm 1987); bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình, bản đồ các nguồn nước khoáng - nước nóng trong tập Atlas quốc gia (năm 1996). Nhiều bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình tỷ lệ 1:200.000 được thành lập, phủ hơn 73% diện tích lãnh thổ. Hàng loạt bản đồ địa chất thủy văn - địa chất công trình tỷ lệ lớn hơn cũng lần lượt ra đời."

3 Theo ông, trong thời gian tới, Ngành Địa chất Việt Nam cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?

TS. Trần Bình Trọng:
Trước hết, ngành cần tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược như đất hiếm, nhằm đáp ứng yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

anh-11-bai-79-nam-dia-chat.jpg

Trải qua 79 năm hình thành và phát triển, đã có rất nhiều thế hệ địa chất đã đi qua và để lại dấu chân trên khắp nẻo đường của Tổ quốc

Ngành cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực địa chất môi trường và tài nguyên khoáng sản, đồng thời tiếp tục điều tra khoáng sản trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Nội dung: Mai Đan