Ngành Địa chất Việt Nam đã hoàn thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 toàn quốc (thực hiện từ năm 1955, hoàn thành năm 1988), lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 toàn quốc (phần đất liền) (đến năm 1994 hoàn thành). Hai công trình này đã được biên tập, xuất bản để sử dụng rộng rãi.
Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, nghiên cứu quặng thiếc trong đá hoa tại khu vực xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Trong quá trình chuyển hoá giá trị địa chất và tài nguyên khoáng sản thành các nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước, ngành Địa chất Việt Nam đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và từng bước hoàn thiện hơn nữa hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản phù hợp với từng giai đoạn. Trải qua 79 năm trưởng thành và phát triển (2/10/1945 - 2/10/2024), ngành Địa chất Việt Nam đã và đang tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới.
*Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản quan trọng
Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với kết quả của 10 năm gần đây và bề dày lịch sử trong hành trình tìm kiếm tài nguyên 79 năm qua, ngành Địa chất Việt Nam đã đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn trên toàn quốc, đưa Việt Nam trở thành nước có tiềm năng lớn về các loại khoáng sản như: Titan, bauxit, than, urani, đất hiếm, apatit, đá hoa trắng và cát trắng.
Ngành Địa chất Việt Nam đã hoàn thành lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 toàn quốc (thực hiện từ năm 1955, hoàn thành năm 1988), lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 toàn quốc (phần đất liền) (đến năm 1994 hoàn thành). Hai công trình này đã được biên tập, xuất bản để sử dụng rộng rãi. Trong đó, Công trình lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ; công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 (phần đất liền) đang được thực hiện, đã hoàn thành hơn 73% diện tích cả nước. Đây là những tài liệu, là cơ sở quan trọng cho các ngành, địa phương trong quá trình triển khai quy hoạch phát triển.
Về khoáng sản, ngành Địa chất Việt Nam đã phát hiện, điều tra thăm dò xác định trữ lượng, tài nguyên hàng trăm mỏ, vùng mỏ có quy mô khác nhau. Điển hình là mỏ quặng sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), Nà Rụa (Cao Bằng), vùng mỏ thiếc ở Quỳ Hợp, Tam Đảo, đất hiếm ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái; chì - kẽm ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên; quặng đồng ở Lào Cai, Kon Tum; quặng bauxit ở Tây Nguyên, titan sa khoáng dải ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, titan trong tầng cát đỏ Ninh Thuận - Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; than nâu ở đồng bằng sông Hồng; quặng urani ở Nam Giang, Quảng Nam.
Các kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản đã cung cấp nguồn nguyên liệu khoáng quan trọng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu thời gian qua. Trong vài năm gần đây, ngành đã cung cấp 53 khu vực mỏ cho Bộ Công Thương xây dựng để lập Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Kiểm tra thực địa Dự án "Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tại một số khu vực có dị thường phóng xạ trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại của môi trường phóng xạ" tại tỉnh Kon Tum do Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam thực hiện.
Về điều tra địa chất biển, ngành Địa chất Việt Nam đã hoàn thành điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 vùng biển ven bờ từ 0 - 100 m nước. Hiện ngành đã cơ bản hoàn thành điều tra trên diện tích 150.000 km2 vùng biển Phú Khánh - Tư Chính - Vũng Mây, độ sâu từ 300 - 2.500 m nước (thuộc Dự án "Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam”); tiếp tục triển khai lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:100.000 vùng biển ven bờ từ 0 - 30m nước.
Kết quả, ngoài việc thành lập các bản đồ địa chất, địa mạo, thủy thạch động lực, địa chất môi trường các vùng biển được điều tra cung cấp cho các ngành, địa phương ven biển, ngành còn khoanh định nhiều diện tích có triển vọng về sa khoáng titan, vật liệu xây dựng để tổ chức thăm dò, khai thác phục vụ nhu cầu trong nước. Những năm gần đây, riêng Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành đánh giá cát biển tại khu vực Sóc Trăng, xác định tài nguyên cấp 222 + 333 hơn 680 triệu m3 cát làm vật liệu san lấp, chuyển giao cho tỉnh để quản lý, khai thác.
*Đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng Luật
Ông Trần Bình Trọng cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã được thực hiện khẩn trương trong toàn ngành. Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (với 77 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 19 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Dự thảo Luật được xây dựng với bố cục, nội dung được bám sát vào 5 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội. Dự thảo Luật gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 1 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).
Trong năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (phần Địa chất) đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến góp ý. Cục đã đề xuất xây dựng, trình ban hành 6 Thông tư; đến thời điểm hiện tại, dự thảo các Thông tư đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Ngoài công tác xây dựng thể chế, ngành Địa chất Việt Nam còn tập trung thực hiện Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong tổng số 48 nhiệm vụ đến năm 2030 phải hoàn thành.
Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch này, thời gian tới, theo Cục trưởng Trần Bình Trọng, ngành Địa chất Việt Nam đặt ra những phương hướng chủ yếu trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch như: Quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật, bộ đơn giá sản phẩm phù hợp, theo hướng khuyến khích người lao động nâng cao chất lượng, tập trung điều tra chuyên môn sâu; ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương cho các nhiệm vụ cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo tiến độ quy hoạch.
Các đại biểu tham dự Lễ ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ về khảo sát và điều tra địa chất giữa Cục Địa chất Việt Nam với Tập đoàn Metatek Vương quốc Anh.
Đồng thời, ngành Địa chất Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, đặc biệt trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; điều tra địa chất phục vụ cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Củng cố, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của các tổ chức thực hiện công tác điều tra địa chất và khoáng sản; xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra địa chất và khoáng sản có năng lực chuyên môn trước mắt và lâu dài…
Ngoài ra, ngành Địa chất Việt Nam có chính sách thu hút đội ngũ nhân lực có trình độ cao, tăng cường tuyển dụng sinh viên tại các trường đại học chuyên ngành địa chất, khoáng sản để lựa chọn, đào tạo thành chuyên gia giỏi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và dự báo khoáng sản đối với các cấu trúc sâu có tiềm năng khoáng sản; điều tra địa chất khoáng sản các vùng biển; điều tra địa chất đô thị; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản; ứng dụng công nghệ số./.
Nguồn: TTXVN