Để Việt Nam kịp thời tham gia vào các hoạt động của Năm quốc tế hành tinh Trái đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến thông báo tại công văn số 7603/VPCP-DK ngày 29 tháng 12 năm 2006 "Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nắm thông tin về Năm quốc tế hành tinh Trái đất, đề xuất ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo nói trên, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ cho Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ thu thập và tổng hợp thông tin về năm Năm quốc tế hành tinh Trái đất.
Vụ Hợp tác quốc tế đã chủ trì hai cuộc họp bàn về phương hướng tổ chức Năm quốc tế hành tinh Trái đất.
Cuộc họp thứ nhất được tổ chức ngày 6 - 2 - 2007 với sự tham dự của đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Tại cuộc họp này các đại biểu đã bàn sơ bộ phương hướng chuẩn bị thực hiện các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế hành tinh Trái đất.
Cuộc họp thứ hai được tổ chức ngày 19 tháng 4 năm 2007. Tại cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban quốc gia IGCP Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Trung tâm Khí tượng và Thuỷ văn quốc gia, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Vụ Kế hoạch -Tài chính Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau khi nghe đại diện các cơ quan tự giới thiệu và đồng chí Nguyễn Thành Vạn, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Khoa học địa chất quốc tế phát biểu nêu khái quát về mục đích, ý nghiã và nội dung các hoạt động của Năm Quốc tế Hành tinh Trái đất, đại diện các cơ quan đã lần lượt phát biểu ý kiến. Các ý kiến góp ý có thể được tóm tắt như sau:
- Nhất trí về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết tổ chức các hoạt động của Năm Quốc tế Hành tinh trái đất theo sáng kiến của Uỷ ban Quốc tế Năm Quốc tế Hành tinh trái đất. Tuy nhiên, để tổ chức phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không nên chỉ thực hiện theo những yêu cầu chung của quốc tế, mà cần nghiên cứu để đưa ra sáng kiến riêng của Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện.
- Cần sớm thành lập Uỷ ban quốc gia để tổ chức và điều hành các hoạt động của Năm Quốc tế Hành tinh trái đất. Hội nghị nhất trí cao về việc đề nghị một đồng chí lãnh đạo của Bộ TN-MT là người đứng đầu Uỷ ban quốc gia. Thành phần Uỷ ban quốc gia sẽ bao gồm đại diện của các Bộ, ngành như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các cơ quan báo chí tuyên truyền. Đồng thời, trước khi Uỷ ban quốc gia được thành lập, các đại biểu cũng nhất trí kiến nghị cần thành lập ban trù bị để chuẩn bị thủ tục và nội dung chương trình hành động.
- Hội nghị nhất trí cần tập trung thực hiện chương trình tuyên truyền cộng đồng là chính vì chương trình khoa học đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí hơn. Hơn nữa, các nội dung của chương trình khoa học thực ra chúng ta đã đang và sẽ thực hiện, nên chương trình cần phải kết hợp, chứ không nặng về xây dựng mới. Cần tập hợp các kết quả nghiên cứu khoa học hiện có để xuất bản và tuyên truyền, quảng bá đưa vào cuộc sống và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nghiên cứu tiếp theo.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đóng góp tích cực trong việc chuẩn bị tổ chức Năm quốc tế hành tinh Trái đất bằng cách tham khảo trang Web của Năm quốc tế hành tinh Trái đất, cũng như liên hệ trực tiếp vói Ủy ban quốc tế Năm quốc tế hành tinh Trái đất và các Ủy ban quóc gia đã được thành lập ở các nước để nắm thông tin liên quan và soạn thảo tờ trình trình Thủ tuớng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia Năm quốc tế hành tinh Trái đất để lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký.
Ngày 28 tháng 01 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc thành lập ban chỉ đạo quốc gia Năm quốc tế hành tinh Trái đất. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia đã đuợc xúc tiến một cách khẩn trương. Ngoài Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường là Trưởng ban, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Phó trưởng ban thường trực, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường là Phó trưởng ban do Thủ tướng Chính phủ chỉ định trực tiếp, các Bộ, ngành, tổ chức liên quan đã cử đại diện cấp Vụ làm Ủy viên Ban chỉ đạo theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, Ban chỉ đạo quốc gia đã cử hai đại biểu, Tiến sỹ Nguyễn Thành Vạn Phó Cục trưởng Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tiến sỹ Trần Tân Văn, Phó Viên trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự Lễ phát động toàn cầu Năm quốc tế hành tinh trái đất tại trụ sở UNESCO, Paris, Cộng hòa Pháp từ ngày 12 đến 13 tháng 2 năm 2008.
Trong thời gian ở Paris, sau lễ phát động toàn cầu, các đại biểu của Ủy ban quốc gia Năm quốc tế hành tinh Tría đất của Việt Nam đã tham dự cuộc họp đại diện các Ủy ban quốc gia Năm quốc tế hành tinh trái đất của các nước trên thề giới và cuộc họp đại diện các Ủy ban quốc gia năm quốc tế hành tinh trái đất các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á. Tại cuộc họp này đại diện của Việt Nam đã ký với đại diện của Nhật Bản và của Hàn Quốc hai bản ghi nhớ thỏa thuận về hợp tác trong khuôn khổ hoạt động huởng ứng năm quốc tế hành tinh trái đất.
Ngày 7 tháng 3 năm 2008 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo quốc gia năm quốc tế hành tinh trái đất. Tham dự cuộc họp gồm Thứ truởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hường - Phó Trưởng ban thường trực, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường ông Trần Hồng Hà - Phó trưởng ban, cùng các thành viên ban chỉ đạo quốc gia và các cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp này các đại biểu đã điểm lại quá trình tiếp cận năm quốc tế hành tinh trái đất, việc chuẩn bị thành lập Ủy ban quốc gia theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại công văn số 7603/VPCP-DK, các hoạt động hưởng ứng năm quốc tế hành tinh trái đất đã triển khai, đồng thời thông qua được phương hướng hoạt động tiếp theo gồm 5 nội dung:
- Tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Năm quốc tế hành tinh trái đất
- Tuyên truyền về năm quốc tế hành tinh trái đất
- Trình diễn, hướng dẫn cộng đồng phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường
- Xây dựng các chương trình dự án nghiên cứu điều tra cơ bản theo các chủ đề của năm QTHTTĐ
- Tổ chức và tham gia các hoạt động quốc tế trong năm quốc tế HTTĐ
Ngày 28 tháng 3 năm 2008, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia đã ký quyết định thành lập Ban thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo quốc gia năm quốc tế hành tinh Trái đất, do bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên và Môi trường làm trưởng ban.
Hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia đang tiếp tục chỉ đạo các hoạt động hưởng ứng năm quốc tế hành tinh Trái đất, trước hết là việc phối hợp tổ chức lễ phát động quốc gia Năm quốc tế hành tinh Trái đất cùng với lễ mit tinh kỷ niệm ngày môi trường thế giới 5/6/2008.
Trên thực tế, ở Việt Nam các hoạt động hưởng ứng năm quốc tế hành tinh Trái đất đã được triển khai ngay từ đầu năm 2007. Trên Tạp chí địa chất đã xuất hiện các bài báo nói về năm quốc tế hành tinh Trái đất. Biểu tượng của Năm quốc tế hành tinh Trái đất đã được in trên trang bìa của Tạp chí địa chất. Một số chương trình đã được thực hiện liên quan đến Năm quốc tế hành tinh Tría đất: Chương trình quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình nghiên cứu xây dựng các công viên dịa chất, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, chương trình chống sa mạc hoá, chương trình điều tra tai bién địa chất, đều tra tài nguyên - môi trường biển.
Ngay sau khi diễn ra cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ dạo quốc gia, các thông tin về năm quốc tế hành tinh Trái đất và về Ban chỉ đạo quốc gia năm quốc tế hành tinh trái đất đã được đưa lên các phưong tiện thông tin đại chúng.
Nhiều hoạt động của các nhà khoa học địa chất đã được phổ biến trên các báo ở trung ương và địa phương thông qua các cuộc phỏng vần Ban chỉ đạo quốc gia cũng như các nhà khoa học địa chất thuộc Hội chất Việt Nam và Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.