Ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục chuyển đổi các dữ liệu đã được số hóa trước đây phù hợp với nền tảng dữ liệu lớn. Khai thác dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, dữ liệu lớn là giải pháp đột phá làm nòng cốt chuyển đổi số phục vụ giải quyết các bài toán có tính chuyên môn sâu.

1.jpg

Thi công khoan tại Công trường Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa bằng máy móc hiện đại

TTXVN - Để lan tỏa tinh thần Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, góp phần định hướng mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa về vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với kinh tế - xã hội, Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ứng dụng thực hiện 100% công tác chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng; tiếp tục tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường theo kế hoạch chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Địa chất, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết, ngành Địa chất Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành các quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực địa chất theo hướng chuyển đổi số ngay trong quá trình điều tra cơ bản địa chất. Ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục chuyển đổi các dữ liệu đã được số hóa trước đây phù hợp với nền tảng dữ liệu lớn. Khai thác dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, dữ liệu lớn là giải pháp đột phá làm nòng cốt chuyển đổi số phục vụ giải quyết các bài toán có tính chuyên môn sâu. Ngành Địa chất Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao kiến thức, năng lực kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng ứng dụng công nghệ mới, đủ trình độ để chuẩn hóa và tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn.

Ngành cũng triển khai giải pháp thu nhận, lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu được chia sẻ, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành địa chất; thiết lập môi trường chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu trên cơ sở sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp quốc gia; ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới: Bigdata, IoT, dữ liệu mở, điện toán đám mây,…

Về thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin về máy chủ, các nền tảng, dịch vụ dùng chung, đã và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư tập trung, ngành Địa chất Việt Nam tập trung phát triển, xây dựng các bài toán cho từng chuyên ngành. Đối với các đơn vị, Ngành thực hiện việc triển khai đồng bộ các hệ thống phần cứng như: máy tính, máy tính bảng cầm tay. Các thiết bị đo đạc hiện trường được định vị chính xác, lưu trữ và truyền dữ liệu về máy chủ đơn vị. Nâng cấp hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng; ứng dụng nhật ký địa chất số; sổ đo ghi số.

Ngành địa chất tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên môn sâu như tính tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; địa vật lý, viễn thám, mô hình địa chất 3D, bản đồ địa chất 3D.

2.jpg

Công tác đo trắc địa tại công trường

Đồng thời, ngành Địa chất Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Ứng dụng công nghệ số trong việc lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Cập nhật, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục xây dựng, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới ngành Địa chất; tăng cường năng lực chuyên môn, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nhằm xây dựng tài nguyên tin cậy các khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn; ưu tiên điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản biển./.

Văn phòng Cục ./.