Đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe trong việc khai thác và xuất khẩu titan,  thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đầu tư các dự án hậu titan,  điều này đã góp phần nâng cao giá trị tinh quặng titan cũng như tận dụng tốt nguồn tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận của địa phương.

Bình Định là một trong những tỉnh có trữ lượng titan lớn ở miền Trung với tổng trữ lượng 2,5 triệu tấn sa khoáng titan. Tuy nhiên, Bình Định lại thiếu đồng bộ trong quy hoạch khai thác và chế biến sâu khoáng sản titan, nên đã làm lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Để lập lại trật tự trong hoạt động khai thác titan, cũng như hạn chế sự thất thoát nguồn tài nguyên quý giá, không thể tái tạo, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản, đưa ra nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác titan. Ngày 3.10.2011, UBND tỉnh Bình Định có Công văn số 3242/UBND-KTN về việc nghiêm cấm việc mua, bán, vận chuyển và tàng trữ titan thô (quặng thô chưa qua tách tuyển thành tinh quặng ilmenite, zircon, rutile..., hoặc không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định của Bộ Công Thương) ra ngoài tỉnh; ưu tiên gia hạn giấy phép khai thác cho các DN có nhà máy tuyển tinh quặng hoặc có nhà máy chế biến sâu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Trước các yêu ngày càng khắt khe đối với công tác khai thác và xuất khẩu ti tan, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã triển khai các dự án hậu titan đáp ứng yêu cầu chế biến sâu. Điển hình là, Công ty Khoáng sản Ban Mai đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng xây dựng nhà máy hoàn nguyên ilmenite đầu tiên ở Việt Nam, với công suất đạt 12.000 tấn sản phẩm/năm, đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8.2006. Chất lượng sản phẩm của nhà máy được khách hàng đánh giá tương đương với sản phẩm của các nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia. Sản phẩm ilmenite hoàn nguyên được dùng trong lĩnh vực sản xuất chất bọc que hàn, bột màu công nghiệp… mà lâu nay các nhà máy sản xuất que hàn, bột màu công nghiệp ở nước ta phải nhập khẩu. Do khan hiếm và nhu cầu lớn, nên so với titan thô, ilmenite hoàn nguyên có giá trị kinh tế cao hơn khoảng 3 lần. Tiếp đó,  tháng 7.2009, Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã khánh thành Nhà máy sản xuất xỉ titan giai đoạn I, với công suất 24.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (BIMICO) đã đưa vào hoạt động nhà máy xỉ titan, với công suất 19.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Và mới đây, Công ty cổ phần Khoáng sản BIOTAN đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xỉ titan với công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm. Chất lượng sản phẩm xỉ titan của BIMICO hiện được khách hàng đánh giá cao, nên đầu ra khá ổn định. Ngoài ra, do khan hiếm và nhu cầu lớn, nên so với sản phẩm titan thô, sản phẩm xỉ titan có giá trị kinh tế cao hơn từ 3,5 - 4 lần

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Định còn có 4 dự án hậu titan đang triển khai đầu tư, chủ yếu là sản xuất xỉ titan, với tổng công suất 116.600 tấn/năm. Các dự án hậu titan triển khai ở Bình Định không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp luyện kim của địa phương cũng như cả nước. Các sản phẩm hậu titan, sẽ thôi thúc các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng tiếp các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu này. Tuy nhiên, các dự án chế biến sâu titan đều có nguồn vốn rất lớn, công nghệ mới, phức tạp, nên Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phù hợp./.

Nguồn:www.baomoi.com