Xây dựng quy chế phối hợp, thống nhất nhiều giải pháp liên tỉnh trong công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý hoạt động khai thác cát ở các khu vực giáp ranh là chỉ đạo của nhiều địa phương trên một số lưu vực sông thời gian gần đây.
Để quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, cần có sự phối hợp liên tỉnh
* Trên lưu vực sông Lô
Mới đây, hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Theo đó, từ ngày 22/6, hai tỉnh bắt đầu phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các khu vực cát, sỏi lòng sông tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định. Để giám sát chặt chẽ, hai bên cũng trao đổi thông tin về tiềm năng cát, sỏi lòng sông; tình hình quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông và hoạt động cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, đặc biệt là thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.
Các huyện Sông Lô, Lập Thạch và Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Phù Ninh, thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm triển khai quy chế và báo cáo kết quả đạt được trước ngày 31/12 hằng năm về các UBND mỗi tỉnh.
* Trên sông Đồng Nai
Đó là quyết tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước trong quản lý hoạt động khai thác cát trên lưu vực sông Đồng Nai.
Sau khi kiểm tra, đánh giá, rà soát thực tế tại các khu vực giáp ranh, cuối tháng 6, lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước thống nhất chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tại những vị trí không bị sạt lở, vị trí ngoài khu dân cư, ngoài phạm vi an toàn của trạm thủy lợi và các công trình xây dựng khác. Riêng đoạn giáp ranh Lâm Đồng - Đồng Nai, chỉ cấp phép trở lại cho các doanh nghiệp có giấy phép khai thác còn thời hạn đã được cấp trước đây.
Các doanh nghiệp khai thác phải cam kết, đảm bảo thực hiện đúng quy định trong hoạt động khai thác và phải tổ chức cắm mốc vị trí khai thác, công khai thời gian, chiều sâu, công suất khai thác và số lượng phương tiện khai thác theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Đối với các giấy phép khai thác nửa lòng sông phải thả thêm phao giữa lòng sông. Trong quá trình khai thác, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép và chấm dứt hoạt động khai thác cát.
Sở TN&MT, Công an các tỉnh và các địa phương liên quan được giao tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp và chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến việc khai thác khoáng sản cát trên sông Đồng Nai nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp khai thác ồ ạt vượt công suất và tận thu khoáng sản.
* Đối với lưu vực sông Hồng
Đầu tháng 6, UBND ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh, đặc biệt bàn biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba tỉnh.
Tại hội nghị này, UBND ba tỉnh thống nhất sẽ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, xác định mốc giới để làm cơ sở cho công tác cấp phép, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh.
Các địa phương rà soát, thống nhất về chế độ khai thác, thời gian khai thác, giá cát của các mỏ tại địa bàn giáp ranh để phòng ngừa cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết rút giấy phép khai thác đối với đơn vị vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, đã bị cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện.
Đồng thời, các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, nhiên liệu, phương tiện cho lực lượng cảnh sát đường thủy. Lãnh đạo Công an ba tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, khu vực giáp ranh thực hiện nghiêm quy chế giữa Công an của ba tỉnh về việc phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến sông Hồng.
Theo http://monre.gov.vn