Ngày 29 tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản để thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012. Nghị định lần này có 72 điều thể hiện trong 07 Chương, trong đó: (1) bỏ 02 điều (Điều 2, Điều 42), giữ nguyên 07 điều; (2) sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung cho 37 điều của Nghị định số 15/2012/NĐ-CP; (3) bổ sung mới 26 điều để hướng dẫn một số nội dung của Luật khoáng sản nhưng chưa được quy định trong Nghị định 15 nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật, Nghị định 15 của các địa phương, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 6, điểm b khoản 2 Điều 16; bổ sung khoản 4 vào Điều 15 của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 2; sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 6, Điều 7 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Toàn bộ nội dung dự thảo Nghị định lần này đã đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ về một số vấn đề sau:
Một là. quy định chặt chẽ để không thất thoát tài sản quốc gia. Theo đó, đã bổ sung quy định chi tiết trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp, của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; hướng dẫn phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ tài sản quốc gia; bổ sung quy định chi tiết việc giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản để ngăn chặn việc làm sai lệch, báo cáo không trung thực kết quả thăm dò, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cơ quan phê duyệt trữ lượng khoáng sản; bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong việc lập sổ sách, chứng từ trong quá trình khai thác; trách nhiệm đo đạc phần thể tích khoáng sản đã khai thác để đối chiếu việc kê khai sản lượng khoáng sản khai thác nhằm chống thất thoát khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai sai sản lượng thực tế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Hai là, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo vệ quyền lợi người dân, địa phương nơi khoáng sản khai thác
Luật Bảo vệ môi trường mới, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định tăng trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, Nghị định lần này đã rà soát, bổ sung nhằm quy định chặt chẽ hơn nội dung này, đó là: thống nhất xác định rõ các loại khoáng sản độc hại, mức độ độc hại để tránh hiểu sai lệch, để có quy định riêng về cách thức thăm dò, khai thác; quy định trách nhiệm trong quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đặc biệt về bảo vệ môi trường, môi sinh; bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bảo vệ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác liên quan đến môi trường sống như: hỗ trợ xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi, công trình bảo vệ môi trường. Quy định hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản bảo đảm khả thi, đủ kinh phí để thực hiện; trách nhiệm thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác.
Ba là. quy định công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính để ngăn chặn nguy cơ và chống tham nhũng. Thực hiện chủ trương tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch thủ tục hành chính nhằm ngăn chặn nguy cơ và chống tham nhũng, Nghị định lần này đã: (1) bổ sung quy định văn bản, tài liệu chứng minh vốn chủ sở hữu (là điều kiện để cấp phép thăm dò, khai thác) cụ thể, rõ ràng: theo loại hình (công ty TNHH, cổ phần, hợp tác xã); theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp (mới thành lập, đã hoạt động từ 01 năm trở lên) mà không phát sinh thủ tục hành chính; (2) bổ sung tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với: khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; thuỷ lợi, thuỷ điện); công trình khắc phục thiên tai, địch hoạ”; bổ sung “khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới;”; (3) bổ sung tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ tiên tiến; chấp hành tốt nghĩa vụ bảo vệ môi trường, tài chính về khoáng sản; (4) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và những bất cập trong quản lý, Nghị định đã quy định nội dung thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản, phù hợp với loại hình khoáng sản này, đủ số lượng tối thiểu các công trình thăm dò mà vẫn bảo đảm yêu cầu phê duyệt trữ lượng và để hướng dẫn quản lý cát, sỏi lòng sông; (5) bổ sung quy định rõ ràng về thời hạn giấy phép khai thác phải căn cứ trên cơ sở trữ lượng và công suất khai thác quy định chặt chẽ, cụ thể thành phần hồ sơ, điều kiện gia hạn giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản; đã bổ sung quy định về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính liên quan v.v… Nghị định sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2017.
Tải (dowload) toàn văn Nghị định số 158/2016/NĐ-CP bên dưới.
Văn phòng Tổng cục./.