Thời gian qua, Tổng cục Địa chất khoáng sản đã đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản, nhờ đó đã chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản ở các địa phương. Tuy vậy, công tác này vẫn còn một số bất cập như: lực lượng cán bộ mỏng, kinh phí hạn chế, nội dung thanh kiểm tra nhiều khi tập trung vào các vấn đề mang tính pháp lý của hồ sơ…
Lực lượng mỏng, kinh phí thiếu
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thực hiện theo Nghị định 07 năm 2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Tổng cục đã chỉ đạo Cục kiểm soát các hoạt động khoáng sản đi sâu vào công tác này. Cụ thể, năm 2013 thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng than đối với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và các đơn vị thành viên; năm 2014 thanh tra chuyên đề việc khai thác, sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; năm 2015 thanh tra chuyên đề khai thác sử dụng đá vôi; năm 2016 thanh tra khai thác và sử dụng đá ốp lát.
Hàng năm, Tổng cục đều tổ chức việc kiểm tra hậu kiểm việc thực hiện các kết luận thanh tra với các tổ chức, cá nhân đã được thanh kiểm tra trước đó để đôn đốc, theo dõi việc khắc phục các vi phạm tại các kết luận thanh tra, thông báo khắc phục vi phạm. Đối với cá nhân, tổ chức khắc phục chưa triệt để, chưa đạt yêu cầu so với quy định và thực tế đặt ra, Tổng cục sẽ xử lý nặng hơn, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động.
Tuy vậy, công tác thanh kiểm tra vẫn còn một số bất cập do lực lượng cán bộ làm công tác này còn mỏng; phương tiện, kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu. Trung bình 2 năm, Tổng cục mới thanh kiểm tra định kỳ 1 lượt đối với 1 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ; việc kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cá nhân hoạt động theo giấy phép do UBND tỉnh, thành phố còn hạn chế. Do đó, chưa kiểm soát chặt chẽ được thực trạng khai thác khoáng sản của các cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản chưa được đồng bộ, văn bản về thanh kiểm tra nói chung và thanh kiểm tra chuyên đề nói riêng vẫn còn có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các Bộ ngành. Cơ chế giám sát, nhất là việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra còn nặng tính hành chính, chưa có cơ chế phù hợp thực tế nên hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, pháp luật về thanh tra, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản còn tồn tại, bất cập, gây khó khăn cho quá trình thực thi nghiệm vụ thanh tra và xử lý vi phạm, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác thanh kiểm tra. Ngoài ra, nội dung thanh kiểm tra nhiều khi tập trung vào các vấn đề mang tính pháp lý của hồ sơ, giấy phép, chưa đi sâu vào nội dung công tác thanh tra chuyên ngành như: kỹ thuật thăm dò, khai thác; rà soát kiểm tra nghĩa vụ lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng; công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, các nội dung nhằm kiểm soát sản lượng khai thác thực tế…
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác này, Cục Kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản Miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) kiến nghị Bộ TN&MT và Tổng cục tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên và môi trường, trong đó, trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan.
Ưu tiên nhất là, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 15 năm 2012 quy định chi tiết một số điểm thi hành Luật Khoáng sản; Nghị định thay thế Nghị định 142 năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; xây dựng quy chế giữa cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản với cơ quan quản lý thuế trong việc giám sát sản lượng khai thác khoáng sản trong thu thế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Xây dựng dự án tăng cường năng lực thanh kiểm tra khoáng sản từ Trung ương tới địa phương. Triển khai thí điểm tại một số địa phương việc lập “Sổ giám sát công tác thăm dò, khai thác khoáng sản”, lưu trữ tại 1 bản tại Tổng cục và 1 bản tại doanh nghiệp, nhằm giám sát hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép của Bộ TN&MT; tình hình thực hiện nghĩa vụ của các đơn vụ của các tổ chức, cá nhân theo quy định thông qua các cuộc thanh kiểm tra; kết quả hoạt động thăm dò khai thác theo định kỳ hành năm…
Từ đầu năm 2014 đến đầu tháng 10/2016, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã ban hành 86 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền là 8 tỷ 630 triệu đồng. Trong đó, 55 Quyết định đã được thực hiện, số còn lại chưa thực hiện việc nộp phạt theo quy định.
Văn phòng Tổng cục./.
Nguồn: http://monre.gov.vn.