Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng cho rằng, nguồn thu dễ nhất đồng thời cũng kém bền vững nhất chính là khai khoáng và xuất khẩu khoáng sản.
Theo thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản (năm 2012), những năm qua, ngành này đóng góp đến 10-11% GDP (tính luôn cả dầu, khí).
Số doanh nghiệp tham gia hoạt động khai khoáng đã tăng liên tục, từ 427 doanh nghiệp vào năm 2000 lên gần 2.000 doanh nghiệp vào năm 2011, kèm theo đó là hơn 4.200 giấy phép khai khoáng các loại được cấp ở 62 tỉnh, thành. Những con số này cho thấy sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp khai khoáng và hậu quả tất yếu là mức tổn thất về tài nguyên và sự tàn phá môi trường cũng không hề nhỏ.
Với sự phát triển như vậy về số lượng, lẽ ra ngành khai khoáng phải đóng góp lớn cho ngân sách. Nhưng thực tế năm 2008, ngành khai khoáng đứng thứ năm về đầu tư mà hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng GDP chỉ đứng thứ tám, chưa kể có xu hướng giảm dần theo các năm.
Nguyên nhân là do Việt Nam chủ yếu bán tài nguyên thô, còn chế biến sâu rất ít. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải nhập các loại khoáng sản chế biến sâu – cũng là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp quan trọng.
Ví dụ, dầu thô là loại khoáng sản mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nhưng cũng chỉ đủ để nhập khẩu lại xăng dầu các loại cho tiêu dùng trong nước. Hoặc theo tính toán của ông Sơn, ví dụ như năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) xuất được 13,5 triệu tấn than, tạo ra chênh lệch doanh thu với giá bán trong nước khoảng 9.600 tỉ đồng. Song do Nhà nước không quản được xuất khẩu lậu, ước tính 5-6 triệu tấn/năm, trị giá hơn 10.000 tỉ đồng (tạm tính theo giá bình quân năm 2012) đã coi như mất trắng. Như vậy, giá trị xuất lậu còn lớn hơn chênh lệch xuất khẩu của TKV. Nên nếu không quản được xuất khẩu thì giá trị tạo ra là quá ít so với giá trị mất đi.
Văn phòng Tổng cục./.
Nguồn: www.monre.gov.vn.