Nhiều giải pháp đã và đang được Bộ TN&MT chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm hướng tới quản lý bền vững, minh bạch khoáng sản, từ công tác hoàn thiện thể chế, quy hoạch, cấp phép, thanh tra kiểm tra và thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

mt

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý khoáng sản

Từ khi Luật khoáng sản năm 1996 được ban hành, có hiệu lực từ tháng 9 năm 1996 đến nay về cơ bản thể chế quản lý khoáng sản đã được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực này để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đó, cùng với Luật khoáng sản năm 2010 (thay thế Luật khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật khoáng sản năm 2005), đến nay Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05Quyết định; Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 36 Thông tư, phối hợp với các Bộ liên quan ban hành 03 Thông tư liên tịch về khoáng sản. Trong đó, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ vừa mới ban hành để thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.

 Công tác phê duyệt chiến lược, quy hoạch khoáng sản

Thực hiện quy định của Luật khoáng sản, lần đầu tiên, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 2427/QĐ-TTG ngày 22/12/2011. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo, giải pháp cụ thể trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; trong thăm dò, khai thác khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng giai đoạn đến năm 2020 đã được cụ thể hóa trong Chiến lược khoáng sản. Tiếp theo đó, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013.

Theo phân công của Chính phủ, đến nay các Bộ: Công Thương, Xây dựng đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 quy hoạch của 40 loại khoáng sản đang khai thác. Thực hiện thẩm quyền đã được phân cấp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã lập và phê duyệt trên 80 quy hoạch đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), than bùn và khoáng sản khác thuộc diện phân tán, nhỏ lẻ. Chiến lược, quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác cấp phép hoạt động khoáng sản.

 Công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản

Trước năm 1990, sau khi kết thúc công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, việc thăm dò, xác định trữ lượng, chất lượng các mỏ khoáng sản (trước khi khai thác) đều do các đơn vị địa chất thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. Từ năm 1990, đặc biệt là từ khi Luật khoáng sản năm 1996 có hiệu lực, công tác thăm dò khoáng sản do các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện theo Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, từ năm 1996 đến nay, Bộ Công nghiệp (từ năm 2003 đến nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cấp trên 900 giấy phép để các tổ chức, cá nhân thăm dò trên 40 loại khoáng sản khác nhau. Trên cơ sở đó, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong các báo cáo thăm dò làm cơ sở lập dự án đầu tư, cấp phép khai thác theo quy định.

Từ năm 2005, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản (năm 2005), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng đối với khoáng sản làm VLXDTT, than bùn. Và từ tháng 7 năm 2011, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò thuộc thẩm quyền cấp phép. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2005 đến nay, đã có trên 2.000 giấy phép thăm dò khoáng sản (chủ yếu là khoáng sản làm VLXDTT) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, đồng thời phê duyệt trữ lượng để cấp phép khai thác.

Theo thống kê của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, từ khi thành lập đến ngày 31/12/2015, Hội đồng đã thẩm định, phê duyệt trữ lượng hàng trăm báo cáo thăm dò của 41 loại khoáng sản. Đến nay, Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng của trên 1,6 tỷ tấn than; trên 500 triệu tấn quặng sắt; trên 600.000 tấn kim loại đồng; trên 1,2 tỷ tấn quặng bauxit; gần 30 triệu tấn quặng ilmenit; gấn 40 tấn vàng; gần 200 triệu tấn quặng apatit; gần 120 triệu tấn đolomit; trên 170 triệu tấn cát trắng; gần 1,4 tỷ tấn đá hoa trắng làm bột; trên 270 triệu m3 đá hoa làm ốp lát; trên 850 triệu tấn sét làm nguyên liệu xi măng; gần 09 tỷ tấn đá vôi làm nguyên liệu xi măng; trên 170 triệu tấn đá vôi công nghiệp; trên 90 triệu m3 đá granit làm ốp lát v.v... và phê duyệt trữ lượng nước khoáng trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố cả nước với lưu lượng gần 104.000 m3/ngày - đêm. Hiện nay, tất cả các mỏ loại khoáng sản đã được phê duyệt trữ lượng nêu trên đều đã được Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 14 quy hoạch khác nhau; đã và đang được các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước tổ chức khai thác.

Đối với các khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo báo cáo tổng hợp của 61 tỉnh, thành phố cả nước, tính đến ngày 31/2/2015 đã có 57 tỉnh, thành phố phê duyệt trữ lượng khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền. Theo đó, có 43 tỉnh, thành phố phê duyệt 5.592.087.286 m3 đá các loại làm VLXDTT; 29 tỉnh, thành phố phê duyệt 222.654.274 m3 sét gạch ngói, 213.767.812 m3 đất san lấp; 10 tỉnh, thành phố phê duyệt 17.623.966 tấn than bùn và 27 tỉnh, thành phố phê duyệt trữ lượng của 18 loại khoáng sản khác nhau.

 Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản

Công tác “hậu kiểm” sau cấp phép hoạt động khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Sau khi Luật thanh tra và Luật khoáng sản (năm 2010) có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ và được chấp nhận thành lập mới cơ quan đầu mối thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành khoáng sản trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (nay là 03 Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc/Trung/Nam). Nhờ đó, công tác “hậu kiểm” sau cấp phép hoạt động khoáng sản đã được tăng cường và thực hiện ngày càng có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Sau 05 năm hoạt động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện 05 đợt thanh tra chuyên đề có quy mô toàn quốc; hàng năm thực hiện hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra đối với hàng trăm đơn vị thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Nhờ đó, đến nay tất cả các đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác theo Giấy phép do Bộ cấp đều đã được thanh tra, kiểm tra. Thông qua đó, đã rà soát hồ sơ pháp lý trước khi thăm dò, khai thác của các đơn vị; phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản để hướng dẫn thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật trên 50 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính trên 10 tỷ đồng; ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các đơn vị được nâng cao.

 Công tác theo dõi, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản

Theo quy định, công tác kiểm kê trữ lượng khoáng sản do tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện và định kỳ hàng năm báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác để tổng hợp, kiểm tra. Trong thực tế, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện chưa nghiêm túc; số liệu thống kê, kiểm kê chưa chính xác, chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác tổng hợp.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2004, Bộ đã giao Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) thực hiện Đề án thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản rắn (trừ khoáng sản làm VLXDTT) để thống kê tài nguyên, trữ lượng các mỏ, điểm mỏ đã điều tra, đánh giá, thăm dò; kiểm kê trữ lượng khoáng sản của các mỏ đang khai thác (tính đến ngày 31/12/2006). Theo đó, đã thống kê toàn bộ các mỏ, điểm mỏ đã được điều tra, đánh giá, thăm dò; đã kiểm kê trữ lượng của 256 khu vực khai thác (tính đến hết năm 2006). Tuy nhiên, đến nay, số lượng các mỏ cấp phép mới thuộc thẩm quyền của Bộ đã tăng gần 400 khu vực; nhiều mỏ còn hiệu lực giấy phép, đang khai thác, đồng thời cũng có hàng trăm khu vực mỏ đã kết thúc khai thác, đóng cửa hoặc dừng khai thác, trả lại giấy phép nhưng chưa được cập nhật.

Năm 2014, thực hiện Nghị định số 203/2012/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định số 203), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác trước ngày Luật khoáng sản có hiệu lực kiểm kê trữ lượng còn lại để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Do đó, mặc dù chưa tổng kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại (đối với các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ) có thể đánh giá được thực trạng nguồn lực tài nguyên khoáng sả thông qua giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thẩm định, phê duyệt (500 khu vực khoáng sản đã cấp phép, đang hoạt động tính đến ngày 31/12/2015) khoảng 29.000 tỷ đồng. Nếu tính giá bán tại thời điểm năm 2015, tổng giá trị trữ lượng khoáng sản của 500 khu vực khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ nêu trên khoảng1.400.500 tỷ VNĐ.

Về phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đến nay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa thực hiện công tác kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại đối với các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép. Do đó, không có số liệu về thực trạng trữ lượng khoáng sản còn lại thuộc thẩm quyền cấp phép của các địa phương. Tuy nhiên, như đã nêu trên, thực hiện Nghị định số 203, dựa trên cơ sở trữ lượng khoáng sản đã cấp phép đến cuối năm 2015 đã có 54/63 tỉnh, thành phố triển khai công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ thuộc thẩm quyền. Theo đó, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của gần 1.900 khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền đã thẩm định và phê duyệt số tiền là 12.000 tỷ đồng. Nếu tính giá bán tại thời điểm năm 2015, tổng giá trị trữ lượng khoáng sản trong 1.900 khu vực khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của các địa phương khoảng 240.000 tỷ VNĐ.

Như vậy, tổng giá trị trữ lượng các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đã cấp phép khai thác đến cuối năm 2015) vào khoảng gần 1.700.000 tỷ VNĐ (tương đương gần 75 tỷ USD). Đây là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Văn phòng Tổng cục./.

Nguồn: www.monre.gov.vn.