Chiều ngày 27/12/2013, Bộ TN&MT đã tổ chức họp báo tháng 12/2013. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

Bộ TN&MT đã tổ chức họp báo tháng 12/2013

Lãnh đạo Bộ TN&MT chủ trì cuộc họp báo

Trong năm qua, ngành tài nguyên và môi trường đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện một bước thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ đã hoàn thành xây dựng, trình BCS đảng Chính phủ trình BCH Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Hiện cả nước đã cấp được trên 40 triệu GCN với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 92,2% diện tích cần cấp GCN và đạt 94% tổng số trường hợp sử dụng đất cần cấp GCN. Năm 2013 số GCN cấp được tăng gấp 3 lần so với kết quả cấp giấy năm 2012.

Bộ TN&MT cũng đã hoàn thành việc chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, với nhiều nội dung đổi mới, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý đất đai hiện nay.

Dự án Luật BVMT sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. Bộ đã xây dựng ban hành hoặc trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, đồng bộ cũng như cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

Toàn ngành đã đồng loạt đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm trên toàn bộ các lĩnh vực, giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.

Trong năm 2013, cả Trung ương và địa phương đã tổ chức gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với hơn 1.400 tổ chức, cá nhân; trong đó có 250 đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai, hơn 200 đoàn thanh tra, kiểm tra về môi trường, 250 đoàn thanh tra, kiểm tra về khoáng sản, gần 200 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực, gần 200 đoàn kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra.

Công tác quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản đã đi vào nề nếp, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó khắc phục được một bước tình trạng “chảy máu” khoáng sản.

Đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ của 20 hồ chứa trên 5 lưu vực sông quan trọng; hoàn thành việc xác định và lập danh mục của 3.450 con sông với chiều dài từ 10 km trở lên trên lãnh thổ Việt Nam.

Kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Thường trực Chính phủ các đối sách và giải pháp trong giải quyết các vấn đề nóng của hợp tác trong quản lý tài nguyên, nguồn nước sông Mê Công.

Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, công tác quản lý chất thải và cải thiện môi trường làng nghề, khu, cụm công nghiệp, các lưu vực sông. Đến nay, trong cả nước đã có 141/194 khu công nghiệp (73%) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định; 378/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (86,1%). Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo rà soát đưa ra khỏi quy hoạch đối với hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Tích cực triển khai các nhiệm vụ quản lý tổng hợp thống nhất biển, hải đảo; xây dựng quy hoạch tổng hợp đới bờ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo với mục tiêu hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, ngành TN&MT đã dự báo kịp thời và cảnh báo chính xác tình hình khí tượng thủy văn, các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan như bão, mưa lũ, hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ góp phần quan trọng trong việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong năm.

Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ thực hiện các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu; chuẩn bị tốt nội dung cho đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto lần thứ 19 tại Ba Lan (COP19).

Công tác đo đạc và bản đồ cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám; tích cực và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; tăng dày, tôn tạo và hiện đại hóa hệ thống mốc biên giới Việt Nam - Lào; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý biên giới Việt Nam - Trung Quốc…

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chỉ rõ, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác quản lý của ngành vẫn còn những hạn chế nhất định. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng nhiều vấn đề phức tạp ở địa phương chưa được giải quyết triệt để.

Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả theo yêu cầu của thực tiễn. Tiềm năng tài nguyên biển chưa được đánh giá đầy đủ làm cơ sở cho quản lý, khai thác và bảo vệ. Tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ tuy đã được quan tâm kiện toàn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là tại cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn ngành trong năm 2014 là “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài nguyên và môi trường”, trong đó sẽ tập trung vào 4 nội dung chủ yếu. Một là thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên nước, đặc biệt đối với các khu công nghiệp, các lưu vực sông; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư khu đô thị; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về khoáng sản trong năm 2012 - 2013; ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa tại một số lưu vực sông. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về TN&MT; nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong toàn ngành.

Hai là, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật về TN&MT. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các Luật, Nghị quyết, Kết luận đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua; tập trung xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); hoàn thiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai Luật Đất đai sau khi có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2014.

Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ công chức trong thực hành công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, chú trọng việc kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 1 cấp, Tổ chức phát triển quỹ đất, các bộ phận chuyên môn về môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo... tại địa phương. Chấn chỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính thi hành công vụ, nâng cao một bước ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong ngành TN&MT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Cuối cùng là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế cho công tác TN&MT nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý tổng hợp và sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng ngừa và xử lý ô nhiễm; nâng cao năng lực và thể chế quản lý Nhà nước về TN&MT.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng đã thông báo nội dung mới Luật Đất đai sửa đổi và Kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai sửa đổi.

Bộ TN&MT đã tổ chức họp báo tháng 12/2013

Toàn cảnh cuộc họp báo


Văn phòng Tổng cục./.

Nguồn: http://www.monre.gov.vn.