Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 diễn ra chiều ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa là thách thức nhưng cũng vừa có những cơ hội để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các bon thấp, nền kinh tế sạch và bền vững. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng và doanh nhân phải đi đầu.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018: Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ trái sang) chủ trì

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ trái sang) chủ trì

Thứ trưởng đã đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ về tình hình triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, trong đó nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động ứng phó với BĐKH, một trong số 17 Mục tiêu của phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc đến năm 2030.

48 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris

Tại Hội nghị COP 21, đại diện hơn 195 quốc gia trên thế giới đã thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đây là kết quả quan trọng sau hơn 20 năm nỗ lực đàm phán của cộng đồng thế giới. Đến nay, Thỏa thuận Paris đã được 172 quốc gia phê chuẩn và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016. Để góp phần thông qua Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (gọi tắt là NDC) với cam kết thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH và phát triển nền kinh tế ít phát thải khí các-bon; giảm 8% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, mức giảm này sẽ tăng lên đến 25% khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Để thực hiện cam kết quốc gia của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH với 68 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện đến năm 2030, trong đó trọng tâm là thực hiện các cam kết của Việt Nam nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Kế hoạch này đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực trên cơ sở các chủ trương, định hướng, hành động nêu trong Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các địa phương.

Đến nay, 48 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH ở cấp địa phương. Cấp Trung ương đã xây dựng Hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính và Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Bước đầu Việt Nam đã thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung BĐKH vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch phát triển ngành, phù hợp với Kịch bản BĐKH và nước biển dâng phiên bản năm 2016. Trước tác động nặng nề từ BĐKH đến đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Hiện nay, Bộ  Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Trước mắt, Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức tham gia cắt giảm khí nhà kính toàn cầu, thực hiện cam kết nêu trong NDC của Việt Nam dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức về BĐKH; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế về BĐKH; tăng cường đầu tư cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở các vùng, địa phương...

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Yêu cầu sự chủ động của doanh nghiệp

Tán thành với các ý kiến đại biểu nêu trong Hội nghị về việc Việt Nam cần phải hòa nhập với thế giới, nắm bắt cơ hội do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã nêu bật một số vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm hiện nay.

Một là, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đảm bảo hệ thống chính sách, pháp luật về BĐKH hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất quán; trong đó có việc xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Hai là, các doanh nghiệp cần ưu tiên giành nguồn lực thực hiện nghiên cứu và ứng dụng kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là hòa nhập với cách mạng công nghệ 4.0 trong ứng phó BĐKH; góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nghiên cứu ứng dụng cần hạn chế và tiến tới không đầu tư vào các hoạt động sử dụng quá nhiều năng lượng, đặc biệt là hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhanh chóng chuyển các công nghệ sử dụng nhiều năng lượng hiện nay sang các công nghệ ít tiêu hao năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.

Ba là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ cao và thúc đẩy khởi nghiệp, áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 mang lại để vừa có thể ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực của BĐKH, vừa tận dụng các thời cơ để xây dựng một nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững.

“Giải quyết bài toán ứng phó với BĐKH sẽ đạt được mục tiêu kép, vì hoạt động ứng phó với BĐKH, cũng thực chất là làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhiệm vụ xuyên suốt trong 17 mục tiêu của phát triển bền vững”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, có kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với BĐKH, thực hiện Thỏa thuận Paris và công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của mình. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ luôn luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình này để phát triển của chúng ta thực sự là bền vững.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững; Bí thư Trung ương Đảng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; hơn 600 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế...

Sự kiện do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức với chủ đề ”Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững trong thời kì Cách mạng công nghiệp 4.0”. Các cuộc thảo luận diễn ra trong cả 2 phiên sáng – chiều bàn tới các giải pháp thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo monre.gov.vn