Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Nội dung của Luật khoáng sản số 60/2010/QH12 đã kế thừa Luật Khoáng sản năm 1996, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản (2005) và có nhiều quy định mới đã được bổ sung. Luật Khoáng sản năm 2010 bao gồm 86 điều, 11 chương. Trong đó đã bổ sung 48 điều mới hoàn toàn về nội dung, sửa đổi bổ sung 38 điều của Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (năm 2005).

tuyen_truyen_pho_bien_phap_luat.jpg

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản là giải pháp quan trọng để đưa luật vào cuộc sống, để đạt mục tiêu quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động về lĩnh vực khoáng sản. Tại Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 25 tháng 4 năm 2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ: “Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cần có sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động của nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản dưới nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Tập trung phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản”.

Nhằm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Nghị quyết số 103/NQ-CP).

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 103/NQ-CP là “Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiến hành phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, cho người dân, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết 02-NQ/TW và Luật Khoáng sản năm 2010 vào cuộc sống”.

Như vậy, để đưa Nghị quyết của Bộ chính trị cũng như Luật Khoáng sản năm 2010 vào cuộc sống nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản của đất nước, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản đóng vai trò rất quan trọng.

Ngày 26 tháng 02 năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ triển khai đề án “Tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật về TNMT (Tập trung cho lĩnh vực đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước)” cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cho Văn phòng Tổng cục với mục tiêu tăng công tác tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực địa chât, khoáng sản để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, Văn phòng Tổng cục chủ trì xây dựng đề cương với sự tham gia của:

1. TS. Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng, Tổng cục ĐC&KS;

2. TS. Đỗ Cảnh Dương, PhóTổng Cục trưởng, Tổng cục ĐC&KS;

3. KS. La Thanh Long, Chánh Văn phòng, Tổng cục ĐC&KS;

4. TS. Lê Ái Thụ, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục ĐC&KS;

5. TS. Hoàng Văn Khoa, Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

6. TS. Hoàng Cao Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

7. ThS. Nguyễn Tất Trung, Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục ĐC&KS;

8. TS. Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

9. TS. Lê Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

10. Ông Phạm Khắc Mạnh, Trưởng phòng Kiểm soát hoạt động thăm dò khoáng sản, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

11. Ông Đào Chí Biền, Chuyên viên chính, Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục ĐC&KS;

12. ThS. Đỗ Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục ĐC&KS;

13. KS. Phan Xuân Chiến, Chuyên viên Văn phòng,Tổng cục ĐC&KS;

14. CN. Trần Thị Kim Oanh, Chuyên viên Văn phòng, Tổng cục ĐC&KS;

15. CN. Vũ Thị Minh Phượng, Chuyên viên Văn phòng, Tổng cục ĐC&KS.

Cùng với sự tham gia góp ý kiến của các Cục, Vụ chức năng của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

I. Mục tiêu của dự án

1. Mục tiêu chung

1.1. Tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

1.2. Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản, tăng cường nâng cao kiến thức thường thức về địa chất và khoáng sản cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản nói riêng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động.

1.3. Việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo theo Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.

1.4. Công tác đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cho người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc thiểu số phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.

1.5. Huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nông thôn và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo về tài nguyên khoáng sản.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo ngươi dân nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của các Bộ, ngành và các cấp về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; phổ biến, hướng dẫn chi tiết việc quản lý, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.... phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

2.2. Nâng cao nhận thức của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.

2.3. Đảm bảo hầu hết cán bộ cấp xã, thị trấn; Đài truyền thanh cấp xã, thị trấn; cán bộ tài nguyên và môi trường; Hội phụ nữ xã; Hội nông dân xã, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã; thư viện xã; điểm Bưu điện văn hóa xã và người dân được tiếp cận các loại tài liệu, xuất bản tuyên truyền, phổ biến về pháp luật địa chất và khoáng sản.

II. Nhiệm vụ cần triển khai thực hiện dự án

Để hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, Đề án cần triển khai các nội dung công việc chính sau:

1. Biên soạn, phát hành tài liệu.

2.Xây dựng phóng sự truyền hình.

3. Xây dựng chương trình truyền thanh phát tại cấp xã.

4. Xây dựng loạt phóng sự có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đăng tải trên báo.

III. Nhiệm vụ Xây dựng chương trình truyền thanh phát tại cấp xã

1. Mục đích: Nâng cao nhận thức công đồng pháp luật về khoáng sản và các pháp luật khác liên quan.

2. Nội dung:

- Chương trình phổ biến pháp luật về khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.

- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

- Chung tay ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống.

- Hỏi - đáp hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 và pháp luật khác có liên quan.

Văn phòng Tổng cục./.

Các thẻ (tags):