Chiều 11/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Vượt qua thách thức trong nửa nhiệm kỳ 2016 - 2021
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 6 tháng đầu năm 2018 nói riêng và nửa nhiệm kỳ 2016 - 2021 nói chung.
Khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời đã có những đổi mới hết sức cơ bản và toàn diện. Từng lĩnh vực, từng đơn vị đã có sự đổi mới, phát huy sức sáng tạo của các cán bộ, công chức, người lao động để hiệu quả công việc ngày càng được nâng lên.
Thông qua thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình, Nghị quyết về phát triển đất nước theo hướng bền vững, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, những kết quả của nửa đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 là tiền đề quan trọng để ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2018, Báo cáo của Văn phòng Bộ TN&MT nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, Bộ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật đo đạc và bản đồ; tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật khí tượng thủy văn, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI và triển khai việc sơ kết 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI. Tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thi hành và triển khai việc sửa đổi bổ sung Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường. Trình Chính phủ 04 Nghị định, 01 Đề xuất xây dựng Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo 10 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư...
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 56 tổ chức và 02 cuộc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra theo kế hoạch; tiếp 121 lượt công dân với tổng số 181 người, trong đó có 08 lượt đoàn đông người giảm 61 lượt, 341 người so với năm 2017. Bộ đã thẩm tra, xác minh 18/20 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ (13 vụ việc năm 2017), ban hành quyết định giải quyết 06 vụ việc. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất, tranh chấp đất đai; một số trường hợp tố cáo và khiếu nại liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tập trung chỉ đạo với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính. Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT, trong đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60% . Công bố phương án cắt giảm cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Cũng trong nửa đầu của năm 2018, Bộ TN&MT đã tiếp tục đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý từng bước thực hiện giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 82 TTHC, trong đó có 67 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4 (có 11 TTHC kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia). Kết quả chỉ số CCHC của Bộ đã có những bước tiến đáng kể, kết quả xếp hạng năm 2017 là 10/19 trong tổng số các Bộ, cơ quan ngang Bộ (tăng 6 bậc so với năm 2016); xếp hạng về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 đứng thứ 5 trong các Bộ, ngành...
Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018
Tập trung chỉ đạo, tăng cường phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ địa phương cơ sở
Về những nhiệm vụ trọng tân trong 6 tháng cuối năm 2018, nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01 /NQ-CP của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị cần tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ địa phương cơ sở để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tập trung hoàn thành việc xây dựng trình các đề án, văn bản quy phạm pháp luật còn lại trong Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ;
Rà soát điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2018 phù hợp với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; tập trung vào những vấn đề bức xúc của nhân dân, dư luận xã hội. Xác định sớm nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, tránh trùng chéo giữa Trung ương và địa phương. Ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ Công Thương trong thanh tra khoáng sản. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ, các vụ việc tồn đọng kéo dài;
Tập trung thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính để nâng cao chỉ số Par Index, PAPI, chỉ số về mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với tất các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Hoàn thiện cơ chế tương tác giữa Bộ với người dân, doanh nghiệp; cơ chế để người dân đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ công. Bảo đảm cơ bản 100% các hồ sơ công việc (không mật) được xử lý trên môi trường mạng. Tăng cường vai trò của Tổ kiểm tra trong việc đôn đốc tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Bộ;
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, tiến độ giải ngân. Thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách: kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án chậm tiến độ để điều chuyển cho các dự án, nhiệm vụ cấp bách của ngành, các dự án có khả năng giải ngân tốt;
Thực hiện gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành. Tăng cường phối hợp nghiên cứu KH&CN giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, lấy một số Viện và các Trường đại học trực thuộc Bộ làm nòng cốt để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về TN&MT. Tập trung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng;
Thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn các nhà đầu tư, tài trợ, phục vụ trao đổi thông tin pháp luật về TN&MT. Mở rộng các mối quan hệ song phương, đa phương và liên khu vực với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; chủ động hợp tác và hội nhập, đặc biệt là về KHCN, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và vận động, thu hút, thực hiện và quản lý có hiệu quả nguồn hỗ trợ nước ngoài phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH;
Hoàn thành xây dựng, ban hành kiến trúc chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0. Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp trung ương đến địa phương để phục vụ chỉ đạo điều hành. Chia sẻ, kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành giữa Bộ với Chính phủ, và các Sở TN&MT. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; thực hiện việc đánh giá chấm điểm ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TN&MT…
Tại cuộc họp, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã nghe, thảo luận về các báo cáo chuyên đề như: Công tác kế hoạch, tài chính, đầu tư và kết quả giải ngân; tình hình phê duyệt nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ thường xuyên; Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp; Công tác tổ chức cán bộ, cải CCHC và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị của Bộ; Tình hình phát triển, ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao…
Toàn cảnh Hội nghị
Đổi mới tư duy trong toàn Ngành tài nguyên và môi trường
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Thứ nhất, yêu cầu phải tiếp tục đổi mới tư tuy, phương pháp, cơ chế chính sách của toàn ngành phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt đối với các lĩnh vực như Đất đai, Môi trường, Biến đổi khí hậu, Biển và hải đảo, Tài nguyên nước... Thứ hai, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Ngành từ Trung ương tới địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. “Quan trọng chính là các Sở TN&MT, Phòng TN&MT. Ngành tài nguyên và môi trường muốn làm được thì phải triển khai trong toàn hệ thống. Do vậy, chú trọng kiện toàn tổ chức, chú trọng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công; các cơ chế, chính sách phải đi cùng để bảo đảm tính bền vững của tổ chức,…” – Bộ trưởng trăn trở. Thứ ba, bên cạnh đội ngũ cán bộ, cần chú trọng tới cơ sở vật chất, kỹ thuật và ứng dụng CNTT. Thứ tư, để các chủ trương, chính sách mới đi vào được cuộc sống thì cần phải đổi mới cách thức “quan hệ với công chúng”; phải đổi mới cách thức tiếp cận, không chỉ chú trọng tuyên truyền theo sự kiện mà phải có sự gắn kết nôi dung với phương thức triển khai để thu hút được tổ chức, người dân tham gia. Thứ năm, con người là quan trọng, do vậy việc đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh đào tạo kỹ năng, kiến thức, năng lực còn cần định hướng hội nhập quốc tế; bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn hóa cán bộ trung ương và địa phương, đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn. Thứ sáu, vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ - hội nhập quốc tế cần phải được tăng cường, đổi mới hơn nữa trong từng lĩnh vực quản lý của Ngành.
Cùng với các định hướng đổi mới tổng thể nêu trên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới một số lĩnh vực quản lý chuyên ngành cần có những đổi mới căn bản. Đối với lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng cho rằng, nếu không có tiếp cận theo tư duy mới sẽ không giải quyết được những tồn tại như hiện nay về quy hoạch, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, lợi ích nhóm... Những đổi mới này cần phải có sự hỗ trợ của truyền thông; cần có tiếng nói của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các quản lý và lãnh đạo trung ương, địa phương cùng tham dự và trao đổi đối với từng nhóm vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Luật đất đai.
Đối với lĩnh vực môi trường, đổi mới tư duy từ kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; làm rõ trình độ công nghệ, tiếp cận các quy chuẩn quốc tế; áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; kiểm soát chất thải nhựa kể cả đất liền và trên biển; các vấn đề về giảm đa dạng sinh học,… về vai trò và trách nhiệm của Bộ trong quản lý các vấn đề môi trường. Đặc biệt, đối với đề xuất sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cần phải đánh giá được hết các bất cập; các nội dung đang còn vướng mắc với các Luật khác; công tác đánh giá tác động chính sách,… đến việc tổ chức thực hiện,…
Đối với lĩnh vực biển và hải đảo, đó là việc quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020..., Bộ trưởng giao Tổng cục Biển và Hải đảo phải phối hợp với Tổng cục Môi trường để cùng đưa ra những chiến lược, giải pháp xử lý vấn đề rac thải nhựa đại dương, ô nhiễm môi trường biển; tăng cường công tác hợp tác quốc tế để nhận sự hỗ trợ từ chính sách, kinh nghiệm, công nghệ, sự đầu tư của các đối tác quốc tế giải quyết vấn đề rác thải nhựa như hiện nay.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, Bộ trưởng mong muốn đây sẽ là một trong những lĩnh vực tiên phong trong thương mại hóa sản phẩm, dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy cần xem xét hình thành cơ sở dữ liệu, các cơ chế, định mức, cũng như huy động các nguồn lực, xã hội hóa, cùng chia sẻ thông tin, dữ liệu, bảo đảm theo các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng là để tiếp tục khẳng định vai trò của lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, không chỉ tập trung với việc quản lý nguồn tài nguyên nước trong nội địa, Bộ trưởng nhấn mạnh tới các giải pháp liên quan tới quản lý nguồn nước xuyên biên giới. Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tham mưu đề xuất việc tham gia các công ước quốc tế về nước để có thể tranh thủ sự vận động, ủng hộ của các quốc gia tham gia công ước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, cũng cần phải đánh giá được trữ lượng, biến động, cũng như dự báo được khả năng thiếu nước. “Đã đến lúc, chúng ta phải có phương án trữ nước cho Việt Nam” – Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Đối với các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành chung của Bộ, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới vai trò của công tác kế hoạch – tài chính cũng phải thay đổi, phải đi trước, phải có sự đổi mới trong quy trình từ lập kế hoạch đến tổ chức, thực hiện; công tác khoa học và công nghệ cần phải tập trung tăng cường được năng lực nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản, bảo đảm được nền tảng kỹ thuật cũng như đề xuất được các cơ chế chính sách lâu dài cho ngành; công tác pháp chế, đặc biệt là hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn; công tác tổ chức cán bộ không chỉ là khâu đánh giá cán bộ mà còn phải quan tâm tới việc tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, thực hiện tốt công việc được giao, bám sát chức danh, vị trí việc làm. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục duy trì Tổ công tác của Bộ trưởng để kiểm tra công tác thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng khuyến khích trong thành phần tham gia sẽ có thành phần của Đoàn thanh niên, Công đoàn Bộ, các thành viên của các đơn vị trực thuộc bộ để có thể kiểm tra chéo lẫn nhau. Bộ trưởng đề nghị Tổ công tác phải tiên phong, sáng tạo trong ứng dụng CNTT; ngoài chế độ báo cáo thông thường, sẽ phải tăng cường kiểm tra tại đơn vị, trong đó có kiểm tra đột xuất để bảo đảm đánh giá đúng và khách quan.
Như một thông điệp kết nối trong toàn Ngành, kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Lấy địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường làm cánh tay nối dài. Cần duy trì các hoạt động kết nối với địa phương. Lựa chọn các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay đề các địa phương có thể học hỏi lẫn nhau. Tìm và lắng nghe ý kiến từ địa phương”.
Văn phòng Tổng cục./.