Liên Đoàn trưởng: Lại Mạnh Giàu
Phó Liên đoàn trưởng: Kiều Huỳnh Phương

Địa chỉ: số 1 ngõ 95 Chiến Thắng, P. Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Liên đoàn Vật lý Địa chất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, có chức năng thực hiện công tác địa vật lý phục vụ cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản và địa chất môi trường theo quy định pháp luật. 

2. Liên đoàn Vật lý Địa chất là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Xây dựng và thực hiện công tác địa vật lý trong các đề án, dự án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, quan trắc tai biến địa chất, địa chất môi trường theo phân công của Cục trưởng.

3. Kiểm định, hiệu chuẩn, giám định thiết bị, phương tiện đo sử dụng trong điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản theo các quy định hiện hành.

4. Gia công, phân tích các mẫu tham số vật lý theo quy định của pháp luật và phân công của Cục trưởng

5. Quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về địa vật lý, xây dựng các bản đồ trường và ban hành các ấn phẩm về trường địa vật lý.

6. Lưu giữ, bảo quản kho mẫu phóng xạ theo quy định.

7. Thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Cục trưởng.

8. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.

9. Lưu trữ, quản lý tài liệu và mẫu vật về địa chất, khoáng sản tại Liên đoàn theo quy định.

10. Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình đề án, dự án, nhiệm vụ: điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất; thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Nhà nước theo phân công của Cục trưởng.

12. Tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Cục trưởng.

13. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: địa vật lý, địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, môi trường, tai biến địa chất theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Liên đoàn theo chương trình, kế hoạch của Cục Địa chất Việt Nam và phân công của Cục trưởng.

15. Quản lý tài chính, kế toán, tài sản thuộc Liên đoàn; thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm, viên chức, người lao động thuộc Liên đoàn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Cục trưởng.

17. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng phân công.

Điều 3. Lãnh đạo Liên đoàn

1. Liên đoàn Vật lý Địa chất có Liên đoàn trưởng và các Phó Liên đoàn trưởng. Số lượng Phó Liên đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Liên đoàn; ban hành các quy chế, quy định nội bộ của đơn vị.

 3. Phó Liên đoàn trưởng giúp việc Liên đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Liên đoàn trưởng phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Phòng Tổ chức - Hành chính.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Kỹ thuật.

4. Đoàn Địa vật lý hàng không.

5. Đoàn Địa vật lý mặt đất.

6. Đoàn Địa vật lý biển.

7. Trung tâm Công nghệ và Kiểm định máy địa vật lý.

Các đơn vị từ khoản 4 đến khoản 7 Điều này là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất trình Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đoàn, trung tâm trực thuộc Liên đoàn; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng trực thuộc Liên đoàn.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định số 391/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Vật lý Địa chất trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Sơ lược lịch sử phát triển

- 1967 Cục vật lý, Tổng cục Địa chất

- 1977 Liên đoàn Vật lý Địa chất, Tổng cục Địa chất.

- 1997 Liên đoàn Vật lý Địa Chất, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam,Bộ Công nghiệp.

- 2003 Liên đoàn Vật lý Địa Chất, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam,Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Hiện nay, Liên đoàn VLĐC đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 54/QĐ - ĐCKS ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những thành tích chủ yếu:    

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ HÀNG KHÔNG

- Năm 1961-1964 đã hoàn thành bay khảo sát từ hàng không tỷ lệ 1/200.000 toàn niềm Bắc Việt Nam.

- Năm 1983-1992 đã hoàn thành bay khảo sát từ hàng không trên toàn niềm Nam Việt Nam. Các số liệu bay đo từ hàng không đã được sử dụng để thành lập bản đồ trường từ hàng không Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 (1995) và đã được biên tập và xuất bản ở tỷ lệ 1/1000.000 vào năm 1998.

- Hoàn thành 17 đề án bay tìm kiếm tỷ lệ 1/25.000 và 1/50.000, bay phủ được diện tích >90.000 km2.

CÔNG TÁC ĐO VẼ TRỌNG LỰC

- 1985 đã hoàn thành bản đồ trường trọng lực toàn quốc tỷ lệ 1/500.000. Ở đồng bằng Sông Hồng và Nam Bộ đã đo vẽ trọng lực tỷ lệ 1/200.000 nhằm mục đích điều tra tìm kiếm dầu khí.

- Đánh giá khoáng sản nội sinh (loại hình giả định) các dị thường địa vật lý thông qua phương pháp nhận dạng.

- Phát hiện và phân loại các khối magma ẩn làm tiền đề để tìm kiếm các loại khoáng sản có liên quan theo quy luật sinh khoáng.

- Phát hiện và xác định các tham số cấu trúc của các hệ thống đứt gãy làm tiền đề cho việc xác định các vị trí có khả năng hình thành quặng hoá.

- Phát hiện và xác định các tham số đặc trưng của các đới biến đổi liên quan chặt chẽ với các loại hình khoáng sản khác nhau.

- Thành lập bản đồ địa chất theo quan điểm thạch vật lý trên cơ sở các tham số vật lý của đá và trường địa vật lý đặc trưng cho từng thành hệ địa chất.

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ MẶT ĐẤT

Qua kết quả xử lý, phân tích tổng hợp tài liệu bay đã lựa chọn kiểm tra chi tiết hàng chục cụm dị thường, trong đó trên nhiều cụm dị thường đã phát hiện khoáng sản, đã tiến hành đánh giá ở những mức độ và quy mô khác nhau, thậm chí có những nơi đã phát hiện mỏ và đã tiến hành thăm dò khai thác (Fluorit-Xuân Lãnh, Vàng- Sơn Hoà, Magnesit-Kong Queng….).

CÔNG TÁC ĐỊA VẬT LÝ BIỂN NÔNG

- 1993 đến 1997 đã khảo sát trên diện tích 52000 km2 (16000 km tuyến địa vật lý) ở tỷ lệ 1/500.000 dọc bờ biển ở độ sâu từ 0-30m nước từ Đà Nẵng đến Móng Cái và từ Hà Tiên đến Cà Mau.

NGHIÊN CỨU ĐỊA VẬT LÝ MÔI TRƯỜNG, ĐỊA CHẤT THUỶ VĂN, ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH VÀ TAI BIẾN ĐỊA CHẤT

Tiến hành điều tra địa vật lý môi trường cho hành loạt các đô thị, thành phố như : Đà Nẵng-Hội An (1992-1994), Điện Biên-Sơn La (1993-1994), Huế-Đông Hà-Đồng Hới (1995-1996), Vinh-Thanh Hoá (1995-1996), Tây Nguyên (2001), Nha Trang-Cam Ranh-Phan Thiết (2006)…Ngoài ra Liên đoàn còn phối hợp với các đơn vị khác tiến hành điều tra địa vật lý môi trường ở Lào Cai-Yên Bái, Hà Nội-Hải Phòng, Tân An-Mỹ Tho-Bến Tre, Tây Ninh-Thủ Dầu Một, Trà Vinh-Vĩnh Long…

CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG ĐỊA VẬT LÝ

- Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới về máy, thiết bị địa vật lý , về công nghệ thu thập, xử lý, phân tích và biểu diễn tài liệu địa vật lý nhằm không những nâng cao hiệu quả, độ chính xác của các phương pháp địa vật lý trong việc giải quyết các nhiệm vụ địa chất đang ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

- Nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn tổ hợp các phương pháp địa vật lý hợp lý nhằm tìm kiếm có hiệu quả các loại khoáng sản khác nhau, trong những điều kiện địa chất khác nhau.

- Nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng các phương pháp địa vật lý trong các lĩnh vực chưa được áp dụng, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động của Liên đoàn, tạo điều kiện để phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả của các phương pháp địa vật lý.

- Tổng hợp, phân tích, giải đoán tài tiệu địa vật lý ở mức độ cao bằng cách sử dụng các hệ chương trình xử lý, phân tích mới, mạnh, tiên tiến và đa năng để khai thác triệt để hơn các thông tin địa vật lý trong việc làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất lãnh thổ, khu vực và đánh giá triển vọng khoáng sản.

Những phần thưởng đã được nhận:

            - 3 Huân chương Lao động hạng Ba cho Liên đoàn, năm 1985; Đoàn Địa vật lý máy bay, năm 1985; và Đoàn Địa vật lý 79, năm 1985

            - Bằng khen của Tổng công đoàn Việt Nam cho Liên đoàn Vật lý địa chất, năm 1986.