Liên Đoàn trưởng: Nguyễn Văn Tưởng

Phó Liên đoàn trưởng: Trần Văn Quý

Địa chỉ: Đường Cách Mạng Tháng 8, P.Trung Thành - Thái Nguyên

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Liên đoàn Địa chất Đông Bắc là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, có chức năng thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, trên địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Liên đoàn Địa chất Đông Bắc là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, có con dấu được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất; thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Nhà nước thuộc địa bàn các tỉnh được phân công.

3. Gia công, phân tích mẫu vật địa chất, khoáng sản thuộc các đề án, dự án, nhiệm vụ do Liên đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Cập nhật, xử lý thông tin, xác định đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro tai biến địa chất; theo dõi, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, địa chất môi trường thuộc địa bàn các tỉnh được phân công.

5. Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

6. Lưu trữ, quản lý tài liệu và mẫu vật về địa chất, khoáng sản tại Liên đoàn theo quy định.

7. Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ về địa chất; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất theo phân công của Cục trưởng.

8. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.

9. Tham gia xác định ranh giới các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khoáng sản độc hại, phóng xạ; di sản địa chất, công viên địa chất; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc địa bàn các tỉnh được phân công hoặc theo phân công của Cục trưởng

10. Tham gia giám sát thi công đối với các đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

12. Tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Cục trưởng.

13. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, địa chất môi trường; lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực dự trữ, cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của địa phương, đóng cửa mỏ, thăm dò khoáng sản và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Liên đoàn theo chương trình, kế hoạch của Cục Địa chất Việt Nam và phân công của Cục trưởng.

15. Quản lý tài chính, kế toán, tài sản thuộc Liên đoàn; thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động thuộc Liên đoàn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Cục trưởng.

17. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng phân công.

Điều 3. Lãnh đạo Liên đoàn

1. Lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Đông Bắc gồm Liên đoàn trưởng và các Phó Liên đoàn trưởng. Số lượng Phó Liên đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Liên đoàn; ban hành các quy chế, quy định nội bộ của đơn vị.

3. Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc giúp việc Liên đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Liên đoàn trưởng phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Phòng Tổ chức - Hành chính.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Kỹ thuật.

4. Đoàn Địa chất 115.

5. Đoàn Địa chất 116.

6. Đoàn Địa chất 117.

Các đơn vị từ khoản 4 đến khoản 6 Điều này là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc trình Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Đoàn trực thuộc Liên đoàn; ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng trực thuộc Liên đoàn.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Quyết định số 402/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Địa chất Đông Bắc trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

V. Sơ lược lịch sử phát triển:

Tiền thân của Liên đoàn Địa chất Đông Bắc (ĐCĐB) là Liên đoàn Địa chất số I thành lập theo Quyết định số 248/CP ngày 05/9/1977của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất 12 đoàn Địa chất hoạt động ở vùng Việt Bắc gồm các đoàn : Đoàn Địa chất số 12, 14, 17, 20B, 31, 38, 43, 48, 49, 53, 59, 61.

Ngày 20/6/1997, Liên đoàn Địa chất số I và Đoàn Địa chất 913 (hoạt động ở vùng Đông Bắc) hợp nhất thành Liên đoàn ĐCĐB trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam theo Quyết định số 886 QĐ/TCCB ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

Hiện nay, Liên đoàn ĐCĐB đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số: 41/QĐ - ĐCKS ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi Trường .

VI. Những thành tích chủ yếu:

Trong 65 năm qua Liên đoàn đã tiến hành tìm kiếm thăm dò phát hiện, xác định làm rõ hàng trăm mỏ khoáng sản đáp ứng yêu cầu khai thác. Trong đó có 34 mỏ chì kẽm, 21 mỏ sắt, 20 mỏ thiếc-Vonfram, 12 mỏ Antimon, 15 mỏ than (riêng ở Thái Nguyên), 11 mỏ vàng, 9 mỏ Barit, 17 mỏ Mangan và hàng trăm mỏ khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Các mỏ trên đã và đang khai thác phục vụ cho nhu cầu phát triển nền kinh tế vùng Đông Bắc, Việt Bắc của Tổ quốc.

VII. Những phần thưởng đã được nhận:

- Huân chương lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

- 2009 đạt cúp vàng doanh nhân tiêu biểu xuất sắc năm của UBND tỉnh Thái Nguyên tặng.

- Ngoài ra liên đoàn còn được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.