Liên Đoàn trưởng: Đỗ Văn Lĩnh

Phó Liên đoàn trưởng: Trần Ngọc Khai

 

Địa chỉ: Số 200, Lý Chính Thắng, quận III, TP Hồ Chí Minh

Website: http://www.bddcmn.vn hoặc http://www.bddcmn.vn

 

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, có chức năng đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản và các bản đồ chuyên đề khác từ Đà Nẵng trở vào phía Nam; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, có con dấu được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Trình Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ lập bản đồ địa chất, khoáng sản quốc gia thuộc địa bàn các tỉnh/thành phố được phân công; tham gia thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất và thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo phân công của Cục trưởng.

3. Tổng hợp, hiệu chỉnh, lắp ghép và biên tập các tờ bản đồ địa chất - khoáng sản và các bản đồ địa chất chuyên đề đã được thành lập để xuất bản; Cập nhật, xử lý thông tin, xác định đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro tai biến địa chất; theo dõi, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, địa chất môi trường thuộc địa bàn các tỉnh/thành phố được phân công.

4. Phát triển công nghệ phân tích tư liệu viễn thám và GIS phục vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và các nhiệm vụ khác về điều tra địa chất công trình - địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất khu vực được phân công quản lý và theo phân công của Cục trưởng.

5. Gia công, phân tích các loại mẫu vật địa chất, khoáng sản của các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ do Liên đoàn thực hiện.

6. Lưu trữ, quản lý tài liệu và mẫu vật địa chất, khoáng sản của Liên đoàn theo quy định.

7. Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ về địa chất; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất theo phân công của Cục trưởng.

8. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.

9. Tham gia xác định ranh giới các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khoáng sản độc hại, phóng xạ; di sản địa chất, công viên địa chất; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo phân công của Cục trưởng.

10. Tham gia giám sát thi công đối với các đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Cục trưởng.

13. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, địa chất môi trường; lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực dự trữ, cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của địa phương, đóng cửa mỏ, thăm dò khoáng sản; giám định mẫu vật địa chất, khoáng sản và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Liên đoàn theo chương trình, kế hoạch của Cục Địa chất Việt Nam.

15. Quản lý tài chính, kế toán, tài sản thuộc Liên đoàn; thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động thuộc Liên đoàn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Cục trưởng.

17. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng phân công.

Điều 3. Lãnh đạo Liên đoàn

1. Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam có Liên đoàn trưởng và các Phó Liên đoàn trưởng. Số lượng Phó Liên đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Liên đoàn; ban hành các quy chế, quy định nội bộ của đơn vị.

3. Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam giúp việc Liên đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng về lĩnh vực công tác được Liên đoàn trưởng phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Phòng Tổ chức - Hành chính.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Kỹ thuật.

4. Phòng Phân tích thí nghiệm.

5. Đoàn Bản đồ địa chất 601.

6. Đoàn Bản đồ địa chất 602.

7. Đoàn Địa vật lý.

Các đơn vị từ khoản 5 đến khoản 7 Điều này là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam trình Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đoàn trực thuộc Liên đoàn; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc Liên đoàn.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023thay thế Quyết định số 401/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

V. Sơ lược lịch sử phát triển:

- Tiền thân của Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam (BĐĐC Miền Nam) là Liên đoàn Địa chất 6 thành lập ngày 22/11/1975 theo Quyết định số 207/CP của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Đoàn Địa chất B2 ở chiến trường Nam Bộ từ năm 1973 và lực lượng địa chất tăng cường từ các Đoàn Địa chất ở miền Bắc.

- Năm 1989, sáp nhập với Liên đoàn BĐĐC II (thành lập từ năm 1986 do ông Nguyễn Văn Trang làm Liên đoàn trưởng), Liên đoàn bắt đầu triển khai mạnh mẽ công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 và 1: 50.000 trên toàn diện tích miền Nam.

- Liên đoàn Địa chất 6 được đổi tên thành Liên đoàn BĐĐC Miền Nam theo quyết định số 888/QĐ-TCCB ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp,

VI. Những thành tích chủ yếu:

1. Hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:200 000 các nhóm tờ ở miền Nam Việt Nam và công trình hiệu đính lắp ghép Bản đồ Địa chất và Khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 các nhóm tờ này.

2. Hoàn thành đo vẽ Bản đồ Địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 cho 20 nhóm tờ với tổng diện tích là 59.695 km2, phát hiện nhiều tụ khoáng quan trọng, nhất là bauxit ở Tây Nguyên.

3. Hoàn thành điều tra địa chất đô thị ở 12 vùng trên địa bàn miền Nam phục vụ cho công tác quy hoạch đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường.

4. Hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học địa chất như: Sinh khoáng khối nhô Kon Tum, đới Đà Lạt; Kiến tạo và sinh khoáng Nam Việt Nam; Đánh giá các hiện tượng nứt đất, sạt lở ở các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

5. Thực hiện hợp tác quốc tế với Liên Xô cũ và Hungari trong thăm dò bauxit, với công ty Arco trong nghiên cứu magma xâm nhập Nam Việt Nam, với Nhật Bản trong luận giải ảnh vũ trụ, với Australia trong nghiên cứu địa hoá tìm kiếm vàng Trà Năng…

VII. Những phần thưởng đã được nhận:

* Đối với Liên đoàn

- Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công nghiệp, năm 1984.

- Cờ luân lưu đơn vị dẫn đầu thi đua ngành của Chính phủ, năm 1995.

- Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 1997.

- Cờ luân lưu đơn vị dẫn đầu thi đua ngành Công nghiệp, năm 1998.

* Đối với tập thể và cá nhân

- 2 Huân chương Lao động hạng Ba cho Đoàn Địa chất 604, năm 1980 và Đoàn Địa chất 204, năm 1985.

- 2 Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đại đội tự vệ Đoàn Địa chất 604 và Đoàn Địa chất 602 năm 1985.

- Danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nguyễn Xuân Bao, năm 1985.

- Truy tặng Huân chương chiến công hạng Ba cho Liệt sĩ Nông Văn Nhượng, cán bộ kỹ thuật Đoàn 604.