Ngày 07 tháng 7 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2025 với mục tiêu đạt sản lượng than sạch khoảng 48 - 50 triệu tấn vào năm 2010. Theo đó, ngành Than sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đủ khả năng đáp ứng về cơ sở nhu cầu trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng. Nội dung Chiến lược tập trung vào một số nội dung chính sau:

        1. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng than

        Chiếc lược dựa trên quan điểm phát triển ngành Than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác.

        Chiến lược đặt ra mục tiêu, đến năm 2010, thăm dò, đánh giá xong phần tài nguyên nằm dưới mức -300 m của bể than Đông Bắc, thăm dò tỉ mỉ một phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng; đến năm 2015 thăm dò, đánh giá xong phần tài nguyên của bể than đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2010, bắt đầu đầu tư thử nghiệm một số dự án khai thác tại bể than đồng bằng sông Hồng để làm căn cứ cho đầu tư phát triển sau năm 2010.

        Về việc xử lý một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là bảo vệ môi trường, ngành Than sẽ cơ bản phải ngăn chặn được việc gây ô nhiễm môi trường và các nguồn nước vào năm 2010. Đến năm 2020, hoạt động khai thác than nói chung và khu vực Quảng Ninh nói riêng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn vùng mỏ. Chiến lược nêu rõ: Chấm dứt tình trạng khai thác, chế biến, kinh doanh than trái pháp luật.

         2. Đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo công tác an toàn lao động

         Các mỏ than sẽ sử dụng loại vật liệu mới, vì chống thủy lực thay thế vì chống gỗ và kim loại; vì neo, vì neo kết hợp phun bê tông, bê tông phun, v.v... để chống giữ và bảo vệ các đường lò trong điều kiện địa chất mỏ cho phép. Đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác theo hướng đưa vào sử dụng các thiết bị cơ động có công suất lớn, phù hợp với điều kiện và quy mô từng mỏ.

         Chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao nhằm đề phòng và loại trừ các sự cố mỏ. Hiện đại hóa và quân sự hóa Trung tâm cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu cá nhân cho công nhân, đặc biệt là công nhân hầm lò để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động. Giảm tối đa hình thức vận tải bằng ô tô để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

         Hoạt động của ngành Than sẽ được chuyển mạnh theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế có sự điều tiết của Nhà nước, đồng thời sớm hình thành thị trường than cạnh tranh.

         Nội dung Chiến lược cũng nêu rõ, giá than sẽ được xác định phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước điều tiết giá than qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác.

 

                         Phòng Khoáng sản - Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (ngày 07/7/2008)