Sáng 28/2 tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác và chế biến đất hiếm.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Trong nhiều năm qua, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ, do vậy nếu khai thác, chế biến đất hiếm không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những hệ lụy về môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực khai thác.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, để khai thác hiệu quả loại khoáng sản này, đồng thời đảm bảo an toàn môi trường, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến đất hiếm có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi xem xét đầu tư dự án cũng như kiểm soát ô nhiễm sau khi dự án đi vào vận hành.
Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 17 - 22 triệu tấn phân bổ chủ yếu ở 5 khu vực thuộc Tây Bắc gồm các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Tại miền Trung, đất hiếm phân bố chỉ dọc theo ven biển và chủ yếu nằm trong sa khoáng nên trữ lượng không lớn lắm. Lâu nay nước ta cũng có khai thác đất hiếm nhưng công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công và dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn (có những mỏ tổn thất tới 60%), công suất thấp, không tách được hết thành phần nguyên tố hiếm. Việt Nam cũng đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, chế tạo hợp kim gang, thép, thủy tinh, bột màu... nhưng vẫn chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc quy mô nhỏ.
Trong đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường. Việc khai thác có nhiều yếu tố rủi ro cao và khả năng gây tổn hại môi trường (quặng đất hiếm thường xuất hiện gần trầm tích các chất phóng xạ chẳng hạn thorium hoặc uranium).
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc tổ chức khai thác đất hiếm tại Việt Nam là một vấn đề cần phải xem xét kỹ càng và không nên quá kỳ vọng vào loại tài nguyên đòi hỏi trình độ khai thác ở mức cao này. Bên cạnh vấn đề về môi trường, nếu trình độ kỹ thuật của nước ta chỉ chỉ dừng lại ở việc khai thác bán nguyên liệu thô chưa qua chế biến thì giá trị thu về cũng rất rẻ mạt.
Văn phòng Tổng cục./.
Nguồn: www.monre.gov.vn