Tại sao khu bảo tồn lại bị xâm hại như vậy?

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì (Bắc Cạn) rộng 14.772 ha, được coi là nơi lưu giữ hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với những giá trị sinh học phong phú đa dạng, được các nhà môi trường trong nước và thế giới đánh giá cao; là nơi còn bảo tồn được những loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu như loài voọc má trắng, sóc, khỉ... nhất là loài dơi được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam.

Là nơi còn lưu giữ được một số nguồn gien quý hiếm của các loài thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây Thiết San Giả (còn gọi là Thông đá) mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở bốn tỉnh miền núi phía bắc nước ta và hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Ðông (Trung Quốc).

Ngoài động thực vật, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn giàu về tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng. Quý hiếm và quan trọng như vậy, song hiện tại, Khu bảo tồn này lại đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, tàn phá, do hoạt động khai thác khoáng sản.

Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở Kim Hỷ đã gây nhiều bức xúc. Chẳng những thiên nhiên, môi trường bị tàn phá nặng nề mà tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng bị đe dọa.

Tính đến tháng 12-1997, sau khi giải tỏa các tụ điểm khai thác vàng trái phép theo Chỉ thị 881/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình khai thác khoáng sản ở Kim Hỷ được lập lại, cây rừng, muông thú như được hồi sinh trở lại.

Tuy nhiên tháng 6-1998, Bộ Công nghiệp giao quyền cấp phép khai thác vàng tận thu cho tỉnh, tháng 9-2005, UBND tỉnh Bắc Cạn  cấp phép cho Công ty cổ phần Tấn Thành vào khai thác vàng tại khu vực Tốc Lù, diện tích 17,5 ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với lý do: Chỉ khai thác vàng, chứ không khai thác rừng.

Ngay sau khi có quyết định cấp mỏ, đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Vì vậy, việc tổ chức khai thác của Công ty cổ phần Tấn Thành mãi đến cuối tháng 6-2006 mới đi vào hoạt động theo Quyết định số 191/QÐ-UBND ngày 21-6-2006 của UBND tỉnh Bắc Cạn.

Như vậy, là sự ngụy biện của những bưởng vàng, chỉ khai thác ở những nơi không có rừng, kiên quyết không xâm hại đến rừng, đã thuyết phục được một số lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Chi cục Kiểm lâm tỉnh ủng hộ, đồng tình đề nghị lãnh đạo tỉnh cấp phép cho Công ty Tấn Thành vào khu bảo tồn khai thác, bất chấp quy định tại điều 20, chương 3, Nghị định 160 ngày 27-12-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản ghi rõ: "Cấm hoạt động khoáng sản tại các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ... Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu vực bảo tồn địa chất...".

Hơn nữa, Quyết định 168/QÐ-CP ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ rừng tại chương 2, điều 18 nêu rõ: "Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm những hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài bảo tồn. Cấm khai thác các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác, gây ô nhiễm môi trường, mang các chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng...".

Quy định rõ ràng như vậy, thế mà từ nhận thức đơn giản là khai thác khoáng sản chỉ đơn thuần đào bới và chỉ đào bới ở những nơi không có cây rừng.

Từ nhận thức không đúng này, hoạt động khai thác vàng tại vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ lại tiếp tục bùng phát trở lại, việc mà trước đây phải nhờ tới Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ mới dẹp xong tháng 12-1997.

Hiện tại, ngoài hơn mười điểm khai thác vàng trái phép tại khu vực lõi Khu bảo tồn như: Lũng Quang, Lũng Lương, Lũng Mòn, Lũng Chủ, Xạ Hang, Nặm Ðẩy, Slam Lái... mà chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng chưa giải tỏa được thì khu vực Tốc Lù, do tỉnh cấp phép cho Công ty cổ phần Tấn Thành khai thác với quy mô công nghiệp đang là vấn đề bức xúc gây dư luận bất bình và khó hiểu.

Giữa tháng 12-2007, chúng tôi có mặt tại khu vực Tốc Lù, nơi Công ty cổ phần Tấn Thành đang khai thác, có tới hàng nghìn người (cả người Việt Nam và Trung Quốc) đang hối hả đào bới với cả trăm xe, máy và các phương tiện sàng, tuyển hoạt động gầm rú inh tai, nhức óc suốt ngày đêm. Trên các mỏm đồi, đất đá cày xới tung bụi mù trời, dưới Lũng, từ khu vực sàng, tuyển, nước tuôn ra đặc xền xệt, đỏ ngàu bùn đất, pha lẫn dầu nhớt bốc mùi khó chịu.

Ðối với việc bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, ngoài bảo vệ thảm thực vật, cần đặc biệt quan tâm các loài động vật. Tiếng ồn có thể không ảnh hưởng thực vật, nhưng rất ảnh hưởng và có tác động xấu đến việc cư trú ổn định, sự sinh tồn, phát triển của các loài động vật. Tóm lại, tiếng ồn lớn sẽ gây tác động xấu đến môi sinh, môi trường.

Chưa hết, mỏ Tốc Lù là điểm trũng, tại đây các giếng khoan, bơm nước hoạt động hết công suất, nước từ đây được bơm lên suốt ngày đêm để rửa, đãi quặng, gây nguy cơ làm tụt nước mặt ở các khu vực chung quanh. Khi mực nước ngầm tụt giảm, chắc chắn sẽ gây khô hạn cho các khu vực liền kề. Như vậy, thảm thực vật và động vật sẽ thiếu nước, ảnh hưởng môi trường sống của muôn loài đang cư ngụ tại đây.

Ngày 26-12-2007, chúng tôi có buổi làm việc với đồng chí Hoàng Ngọc Ðường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn về nội dung trên, đồng chí khẳng định: Ðiểm khai thác vàng Tốc Lù đúng là nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, được UBND tỉnh cấp phép.

Hiện tại, Công ty cổ phần Tấn Thành và một số dân tự do đang hoạt động khai thác. Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận: Tình hình khai thác rất ảnh hưởng môi sinh, môi trường khu bảo tồn. Tỉnh sẽ kiên quyết chỉ đạo không được mở rộng phạm vi khai thác, còn dừng khai thác rất phức tạp vì liên quan quyết định cấp phép.

Hạt trưởng Kiểm lâm Khu bảo tồn Nông Xuân Lanh thì phàn nàn: Hạt Kiểm lâm chỉ có 11 kiểm lâm viên, bố trí ở năm trạm, quản lý hơn 14.000 ha (trung bình mỗi người quản lý hơn 1.000 ha) nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do số người hoạt động tại khu vực này quá đông, không thể bao quát được.

Hơn nữa, dù kiểm lâm có cố gắng đến đâu, có thể hạn chế, ngăn chặn được việc phá rừng, còn tiếng ồn làm sao mà ngăn được, do tiếng ồn quá mức này đã gây sự mất ổn định cho các loài động vật ở đây.

Để khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ không bị xâm hại, đề nghị chấm dứt mọi hoạt động không có lợi đến môi sinh, môi trường nơi đây. Ðừng vì một chút lợi trước mắt mà đánh đổi cả khu bảo tồn. Thảm họa thiên tai sẽ xảy ra nếu như con người không biết cách bảo vệ.

THANH TỊNH - Báo nhân dân ngày 21/01/2008