Trong năm 2014,  cùng với việc  hoàn thiện quy định pháp luật về khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó là Đề án bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam. Bộ cũng xác định việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; giảm xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô... Đây là cơ sở quan trọng cho việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Năm 2014, Bộ tiếp tục thực hiện các đề án Chính phủ giao. Đó là thăm dò quặng urani khu Pà Lừa  -  Pà Rồng, huyện Nam Giang (Quảng Nam); điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxite, quặng sắt laterit miền Nam; điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than, phần đất liền bể sông Hồng; triển khai thực hiện 2 đề án mới   là điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam; bay đo từ  -  trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Trong năm vừa qua, thành tích nổi bật trên lĩnh vực quản lý Nhà nước về khoáng sản, đó là Bộ đã phối hợp với các địa phương tiến hành khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Phê duyệt kết quả khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đợt I gồm 84 khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ tại 21 tỉnh, thành phố làm cơ sở cho các địa phương quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền. Thực hiện khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, 42 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia  cho 8 loại khoáng sản, gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương. 

Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Luật Khoáng sản;rà soát để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản; khoanh định, trình phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; thực hiện lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò khoáng sản tại các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức đấu giá khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.Nhiều địa phương đã hạn chế việc cấp phép mới về khai thác khoáng sản mà chỉ gia hạn cho những đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về khai thác khoáng sản. 

Bên cạnh việc triển khai  Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể sông Hồng, Bộ tiếp tục thực hiện các Đề án như điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên đất hiếm toàn quốc; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá các vùng miền núi; đánh giá tổng thể tiềm năng urani. Nhất là chú trọng công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và các loại hình tài nguyên khoáng sản mới trên biển; tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản.

Cùng với việc đánh giá đúng những mặt còn yếu kém, Bộ cũng tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; kiểm tra hoạt động khoáng sản tại Công ty Apatit Việt Nam; kiểm tra tình hình cấp giấy phép hoạt động khoáng sản của UBND các tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, các địa phương đã cơ bản thực hiện tốt các quy định của Luật khoáng sản 2010, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Văn phòng Tổng cục./.

Nguồn:http//:www.monre.gov.vn.